Dân số tiếp tục giảm là thông điệp ám ảnh một số quốc gia ở khu vực Đông Á. Mức độ giảm dù khác biệt nhưng thực trạng và chiều hướng biến động không khác nhau. Mức độ tác động đối với chính trị đối nội và kinh tế - xã hội tuy không giống nhau nhưng đều là diễn biến đáng lo đối với các quốc gia này.

Chuyện dân số giảm thực chất là hệ lụy đang bộc lộ và phát tác ngày càng rõ của một quá trình dài, là hiệu ứng cộng hưởng của các nhân tố khách quan lẫn chủ quan.

Quá trình này phản ánh sự thay đổi rất nhanh chóng và cơ bản của thế giới hiện đại nhưng cũng chứa đựng cả sai lầm trong chính sách, việc sao nhãng trong quản trị quốc gia, thiếu vắng tầm nhìn đủ cao xa về quy hoạch phát triển đất nước.

Một nhà trẻ ở TP Chilgok - Hàn Quốc Ảnh: REUTERS

Cách đây nhiều thập kỷ, trên thế giới đã xuất hiện hình ảnh trái ngược nhau. Có nơi thực thi chính sách kiểm soát để nền kinh tế không bị quá tải bởi dân số gia tăng. Quan điểm chỉ đạo ở đây là tăng dân số nhanh sẽ cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Những nơi này thường là các nước nghèo, đang phát triển và chậm phát triển.

Có nơi không tăng dân số hoặc chỉ tăng rất ít nhưng hệ lụy về lâu dài của tình trạng ấy lại không được lưu tâm đúng mức. Những nơi này thường là các nền kinh tế rất phát triển và phát triển.

Ở những nơi kiềm chế gia tăng dân số, vấn đề là nhà chức trách đã không xác định được kịp thời và đúng đắn thời điểm chấm dứt hoặc đề ra lộ trình thích hợp để nới lỏng, gỡ bỏ chính sách này.

Ở những nơi kia, tác động của nếp sống và thói quen của con người trong xã hội hiện đại ngày càng thêm bất lợi đối với sự gia tăng dân số. Tuổi thọ con người ngày càng cao hơn, đẩy cơ cấu dân số chuyển dịch thành hình "kim tự tháp ngược", tức số người cao tuổi tăng nhanh hơn số người trẻ tuổi trong quốc gia. Người ta gọi đó là "xã hội già nua đi" và tình trạng này ngày càng trầm trọng.

Dân số giảm hiện là vấn đề nan giải đối với một số quốc gia Đông Á. Thị trường lao động và nguồn nhân lực, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp. Bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển - một lợi thế so sánh rất quan trọng - vì thế mà sa sút, khiến mức độ hấp dẫn của Đông Á về phương diện kinh tế đối ngoại không còn được như trước.

Tăng cường hợp tác quốc tế về lao động có thể giảm bớt mức độ trầm trọng, gay gắt của tình trạng này nhưng không thể khắc phục tận gốc rễ. Những nước này cần có những biện pháp chính sách về thu nhập và thuế khóa, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, thị trường lao động và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những biện pháp chính sách ấy phải được tiến hành ngay từ bây giờ, thật sự nhất quán và triệt để, nếu không sẽ quá muộn!