Kì thi tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Hùng Vương, thành phố Pleiku (Gia Lai) vừa qua xảy ra sai sót ở trong câu 2 (5 điểm) của phần II - phần làm văn, đề thi dẫn một đoạn trích trong tham luận “Thông điệp về cái đẹp và tự do” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó, đề thi đã thay từ “gạo trắng” của tác giả thành từ “vàng trắng”.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2024. Ảnh: Như Ý

Kết thúc kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đợt 2 năm nay có 2 lỗi kĩ thuật của đề thi được Hội đồng chấm thi phát hiện. Hội đồng thi đã quyết định chấm đủ điểm đối với 2 câu hỏi bị lỗi kĩ thuật cho tất cả thí sinh có làm bài thi nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy trình xây dựng và in sao đề thi để tránh các lỗi liên quan đến đề thi trong thời gian tới. Trước đó, kì thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM đợt 1 năm 2022, thí sinh cũng phản ánh đề thi có một số lỗi kĩ thuật; Hội đồng thi đã thừa nhận đề thi có sai sót đúng như thí sinh phản ánh.

Trong trường hợp, nếu thấy có thể đề thi trích dẫn ngữ liệu khác biệt, hoặc có thể câu hỏi sai, thí sinh có thể phát biểu ý kiến với cán bộ coi thi để cán bộ coi thi báo cáo trưởng điểm thi, từ đó báo lên ban chỉ đạo kỳ thi. Tuy nhiên, đề thi đúng sai như thế nào sau khi kết thúc kỳ thi, ban chỉ đạo thi sẽ có những quyết định cụ thể, thống nhất về việc công bố đáp án, chấm điểm thi.

Tính đến năm 2024, ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức kì thi đánh giá năng lực được 7 năm. Quy mô của kì thi ngày càng lớn. Số lượng trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh tăng từ 7 trường năm 2018 lên hơn 100 trường năm nay. Theo kế hoạch, từ năm 2025 ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến tiếp tục được điều chỉnh cấu trúc đề thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây có thể coi là kì thi tuyển sinh riêng có thâm niên nhất tại Việt Nam từ sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi 3 chung (từ năm 2002).

Những kì thi đánh giá năng lực đều không công bố đề, đáp án nên đề thi chỉ có thể được giám sát chất lượng nội bộ, không có sự đánh giá, đối sánh từ bên thứ 3 là dư luận hay các chuyên gia độc lập bên ngoài Hội đồng thi. Hơn nữa, do không được công bố đề nên những thông tin thí sinh cung cấp về đề thi đều dựa vào trí nhớ nên thực sự đề thi có sai sót hay được phát hiện phụ thuộc vào sự may rủi từ thí sinh.

Đơn vị tổ chức thi phải chịu trách nhiệm

Một chuyên gia về khảo thí từng công tác tại Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội nhìn nhận việc có sai sót câu hỏi trong đề thi không chỉ Việt Nam mà các bài thi chuẩn hóa trên thế giới cũng thường xuyên gặp phải. Phần lớn sai sót do nguyên nhân chủ quan.

Với trường hợp như tại kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, vị chuyên gia này cho rằng có thể nguyên nhân chính do quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa chưa chú trọng khâu thử nghiệm; phân tích câu hỏi thi hoặc khâu phản biện chưa chặt chẽ. Không loại trừ nguyên nhân do đội ngũ làm ngân hàng câu hỏi thi chưa có sự tham gia nhiều của giáo viên phổ thông để có góc nhìn sát với năng lực học sinh ở cấp phổ thông.

Quy chế tuyển sinh của Bộ quy định các trường tổ chức thi khi xảy ra sai sót phải sửa và rút kinh nghiệm; đề thi phải được một Hội đồng ra đề thi chịu trách nhiệm xây dựng và phải được một hội đồng thẩm định đề chịu trách nhiệm thẩm định. Hội đồng này và các nhóm xây dựng ngân hàng câu hỏi (nếu có) phải độc lập với nhau.

Nghiêm Huê