Với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp như hiện nay, việc quản trị là vấn đề quan trọng để có thể tổ chức và điều hành nguồn nhân lực thực sự hiệu quả, chất lượng. Sự ra đời của ngành Quản trị Nhân lực (Human Resource Management) cũng nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu sâu sắc về ngành học này.

Những năm gần đây, Quản trị Nhân lực được đánh giá là ngành học "hot" với sức hút lớn trong mỗi mùa tuyển sinh, đặc biệt là sự đa dạng trong các phương thức xét tuyển. Sinh viên tốt nghiệp ngành học này ở các trường cũng có nhiều điều kiện về cơ hội việc làm, cùng với đó là mức thu nhập ổn định.

Quản trị Nhân lực đang được đánh giá là ngành học tiềm năng

Ngành học tiềm năng với cơ hội phát triển đa dạng

Quản trị Nhân lực (Human Resource Management) là ngành học về tất cả các hoạt động chính sách và các quyết định quản lý liên quan đến việc tận dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, nỗ lực đạt được mục tiêu chung là duy trì ổn định và thúc đẩy sự phát triển. Nói một cách dễ hiểu hơn, Quản trị Nhân lực là khai thác các nguồn tài nguyên về con người, từ đó vận dụng vào quá trình hoạt động của một công việc, vấn đề, sự kiện...

Sinh viên theo học sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về kinh tế, quản trị kinh doanh, tư duy hệ thống, quản trị nhân lực, quản lý, giải quyết tình huống... Từ đó, người học có thể hoạt động trong đa dạng các lĩnh vực việc làm khác nhau, đặc biệt là nắm bắt được tình hình chung và xử lý hiệu quả các vấn đề.

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị Nhân lực, người học có thể đảm nhận một số vị trí việc làm quan trọng tại các công ty, doanh nghiệp như: Chuyên viên về nhân sự, truyền thông nội bộ, xử lý các vấn đề về chính sách phúc lợi; tư vấn viên về nhân sự; nghiên cứu viên hoặc giảng viên cho chuyên ngành này; tư vấn viên và đào tạo về quản trị nhân lực; thậm chí có thể tự tay khởi nghiệp nếu đã tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức.

Với nhu cầu học tập và phát triển của ngành nghề này, hiện nay đã có rất nhiều trường đưa Quản trị Nhân lực vào chương trình học. Có thể kế đến như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM... Đa số các cơ sở này đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học: Xét tuyển thẳng, học bạ, điểm thi THPTQG...

Nhiều trường đại học đưa Quản trị Nhân lực vào chương trình học

Thị trường lao động thiếu hụt, mức lương đầy hứa hẹn

Để một tổ chức, doanh nghiệp có thể thuận lợi phát triển thì nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, chính vì vậy những ngành học liên quan cũng có sức hút đối với thị trường lao động hiện nay. Quản trị Nhân lực cũng có mức điểm chuẩn khá cao so với mặt bằng chung, điển hình như: ĐH Ngoại thương với 27,7 điểm, ĐH Kinh tế Quốc dân là 27,10 điểm...

Theo trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2018 - 2025 cả nước có nhu cầu 2,3 triệu việc làm, trong đó việc làm liên quan tới ngành quản lý nguồn nhân lực và hành chính chiếm 33%. Con số này là minh chứng cho thấy sự "khát" lao động của ngành học này trong thị trường.

Bên cạnh đó, vấn đề thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều người, đặc biệt trong lúc thị trường lao động có nhiều biến động như hiện nay. Cũng tương tự như nhiều nhóm ngành nghề khác, mức lương vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lực và kinh nghiệm của mỗi cá nhân.

Lương của vị trí quản lý nhân sự có thể giao động trong khoảng từ 5 - 12 triệu đồng/tháng, với nhiệm vụ giám sát nhân sự cấp trung thì mức lương sẽ giao động trong khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, trưởng phòng tiền lương và phúc lợi có thể lên đến 20 - 40 triệu đồng/tháng hay trưởng phòng nhân sự 15 - 45 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Giám đốc nhân sự có thể đạt được mức lương từ 30 - 100 triệu đồng/tháng.

Tổng hợp