Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Cần thiết bổ sung quy định mức tham chiếu

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc cần thiết phải bổ sung quy định mức tham chiếu để làm cơ sở tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội khi bãi bỏ mức lương cơ sở. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung về mức tham chiếu.

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, trên cơ sở phân tích khoa học, thực tiễn, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghỉ hưu, tạo thống nhất.

Cơ quan thường trực của Quốc hội nhất trí bổ sung vào dự thảo luật quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu đối với một số đối tượng người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1-7-2025 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí phải điều chỉnh quy định tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến 20 năm.

Để có cơ sở xem xét quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương có văn bản chính thức đề xuất chỉnh lý nội dung này.

Bên cạnh đó, cần phân tích, đánh giá tác động đầy đủ hơn về vấn đề bảo đảm bình đẳng giới về quy định mức lương hưu hằng tháng.

Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bổ sung quy định mức lương hưu hằng tháng với trường hợp người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang với nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước.

Mức tham chiếu là gì?

Trước đó, Chính phủ thống nhất về nguyên tắc quy định một khoản trong điều quy định chuyển tiếp trong dự luật nhằm bảo lưu quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được chỉnh lý mới nhất bổ sung quy định chuyển tiếp, đối tượng theo quy định đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày dự luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.

Theo dự kiến, thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1-7 tới đây, mức lương cơ sở được bãi bỏ.

Chính vì vậy, dự thảo luật có quy định mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở khi bị bãi bỏ để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.

Dự thảo luật cũng nêu rõ mức tham chiếu được áp dụng bằng mức lương cơ sở cho đến khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ. Mức tham chiếu tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ không thấp hơn mức lương cơ sở.

Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Cũng theo dự thảo, Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vào chiều 26-6.

Xử lý nghiêm việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết quy định trong dự luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể, nguồn kinh phí thực hiện lấy từ số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp tục truy thu, truy đóng đầy đủ nếu người sử dụng lao động còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, lưu ý Chính phủ, Tòa án nhân dân tối tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, cơ quan thanh tra phải quan tâm việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Xử lý nghiêm, khắc phục triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.