ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) diễn ra vào sáng ngày 19/06 ở Vạn Hạnh Mall. Ảnh: TK
Tại đại hội, Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) trình kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, gấp 2.5 lần năm 2023 và là mức cao nhất trong 8 năm qua. Kế hoạch này được đặt ra trong bối cảnh ban lãnh đạo Kido nhận định tình hình kinh tế thế giới vẫn đầy thách thức với xung đột địa chính trị leo thang, áp lực tỷ giá và giá đầu vào biến động mạnh. Tuy vậy, ban điều hành tỏ ra lạc quan trước triển vọng phục hồi kinh tế tại Việt Nam. "Kế hoạch tham vọng dựa trên đánh giá thực tế thị trường, kết hợp với lợi thế sản xuất và hệ thống phân phối rộng khắp của chúng tôi", đại diện Kido chia sẻ.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Kido cũng trở nên tự tin hơn nhờ một loạt động thái củng cố nền tảng trong hơn 1 năm qua.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo Kido tập trung tiết giảm chi phí và thâm nhập vào ngành hàng mới, nổi bật nhất là thương vụ mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát và bước chân vào lĩnh vực gia vị hạt nêm. Ngoài ra, công ty cũng mở kênh bán hàng mới E2E (kênh giải trí kết hợp mua sắm) để tận dụng xu hướng mua sắm qua livestream đang nổi lên gần đây.
Hiện tại, Kido đang hoạt động trong các ngành dầu ăn-bơ, gia vị, bánh, bánh bao và kem/thực phẩm đông lạnh.
Chinh phục thị trường gia vị 60,000 tỷ đồng, mở mới 12,000 cửa hàng miniBaoĐể đạt mục tiêu kinh doanh tham vọng của 2024, ban lãnh đạo Kido đã vạch ra kế hoạch chi tiết cho từng ngành hàng, nhất là ở các ngành hàng mới như gia vị và bánh bao.
Ở ngành gia vị, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Kido kiêm Tổng Giám đốc Dầu Tường An, cho biết Kido lựa chọn các sản phẩm nước mắm và hạt nêm để thâm nhập vì đây là các sản phẩm đóng góp tỷ trọng cao trong ngành gia vị.
“Nhờ sở hữu lợi thế là kênh bán hàng rộng khắp với hơn 450,000 điểm bán, Kido có thể dễ dàng đưa sản phẩm mới tới người tiêu dùng hơn. Quy mô của ngành gia vị ước tính ở mức 60,000 tỷ đồng”, ông Tùng chia sẻ. “Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ thâm nhập ngành”.
Còn ở mảng bánh bao, sau khi thâu tóm Thọ Phát, Kido đã tiến hành chuyển đổi trong nội bộ doanh nghiệp để phù hợp cấu trúc vận hành của tập đoàn, đồng thời tái định vị thương hiệu thành Thọ Phát và Mỹ Hương.
Trong thời gian tới, chiến lược của tập đoàn là mở rộng thị trường ra miền Trung và miền Bắc, xây dựng hệ thống 1,000 đại lý tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, phát triển 50,000 điểm bán trên toàn quốc. Đặc biệt, Kido sẽ phát triển hệ thống 12,000 cửa hàng miniBAO trong 5 năm tới.
Ông Mai Xuân Trầm, Phó CEO Kido kiêm CEO KIDO Foods, chia sẻ về mô hình miniBAO. Ảnh: TK
Chia sẻ về con số 12,000 cửa hàng, ông Mai Xuân Trầm, Phó Tổng Giám đốc Kido kiêm Tổng Giám đốc KIDO Foods, cho biết mục tiêu này được dựa trên kinh nghiệm từ việc mở các cửa hàng bánh trung thu trước đó.
"Trước đây tập đoàn có kinh doanh bánh trung thu, chỉ trong vòng 2 tháng đã mở 12,000 điểm bán. Do vậy với cửa hàng miniBAO, Ban điều hành cũng yêu cầu con số không thấp hơn 12,000 cửa hàng", vị lãnh đạo phát biểu.
Ông Trầm chia sẻ sau 45 ngày triển khai mở hệ thống, Kido đã mở được 150 cửa hàng miniBAO và tất cả điểm bán đều đang có lời. Ông Trầm tin rằng sẽ đạt mục tiêu mở 500 cửa hàng trong năm nay.
Ở mảng bánh tươi và bánh có thời gian sử dụng dài, công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm những dòng sản phẩm ngon của thế giới, phân phối thông qua thương hiệu Kido.
Còn ở ngành dầu ăn, Kido sẽ cố gắng tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản phẩm và nguyên liệu; đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Chia sẻ thêm về ngành, ông Bùi Thanh Tùng cho biết ngành dầu ăn vẫn biến động rất mạnh do giá đầu vào còn dao động ở mức cao và chịu ảnh hưởng của thời tiết và tỷ giá.
“Hiện Kido đã đổi chiến lược kinh doanh ngành này là đi chắc hơn, cách mua dầu cọ (nguyên liệu đầu vào) và kinh doanh sẽ thận trọng hơn”, ông Tùng chia sẻ.
Ngành kem cũng nâng cao thị phần bằng cách cải tiến sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới và đẩy mạnh tiếp thị.
Vũ Hạo
FILI