Chiều 19.6, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình về dự án luật Phòng không nhân dân trước Quốc hội.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, hiện tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án luật Phòng không nhân dân

Trong khi đó, luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc.

Vì thế, dự thảo luật lần này dành 9 điều (từ điều 27 đến điều 36) quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Cụ thể, tại điều 29, dự thảo luật quy định: tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải được đăng ký, quản lý tại các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Bộ Công an có trách nhiệm đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Quốc phòng quản lý.

Cơ quan công an cung cấp thông tin đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gắn với chủ sở hữu phương tiện bay cho Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay, một số ý kiến cho rằng, quy định người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và có kiến thức về hàng không là chưa phù hợp với thực tiễn. Lý do là hiện nay tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho các mục đích khác trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thông tin truyền thông, điện ảnh, giải trí...

Để bảo đảm gắn kết hài hòa lợi ích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, ý kiến này đề nghị quy định theo hướng tùy từng loại phương tiện bay để quy định về độ tuổi điều khiển cho phù hợp.

Ý kiến khác đề nghị quy định rõ điều kiện đăng ký, cấp phép. Cạnh đó, khi cấp phép, đăng ký và quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ cần tính đến yếu tố cự ly, khoảng cách bay để quy định cho phù hợp.

Có ý kiến lại đề nghị giao Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, hoặc đăng ký từ nguồn (nơi sản xuất); nghiên cứu, bổ sung quy định về đăng kiểm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cho phù hợp.

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ông Tới cho hay, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí với nội dung quy định tại dự thảo luật, nhưng đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên, rà soát các luật khác liên quan để quy định thống nhất, khả thi.

4 trường hợp thu giữ tàu bay không người lái

Nội dung đáng chú ý nữa được quy định tại dự thảo luật là có 4 trường hợp tạm giữ, thu giữ và chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, gồm: thứ nhất là bay khi không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra dự án luật Phòng không nhân dân

Thứ hai là xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay. Thứ ba là các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên tuyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ tư là sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khí sinh học hoặc các chất cấm.

Theo dự thảo, Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

“Đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí quy định như dự thảo luật”, ông Lê Tấn Tới báo cáo Quốc hội.

Tuy vậy, theo ông Tới, trong cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng, quy định về thẩm quyền tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ dễ dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền, nhất là thẩm quyền của tư lệnh quân khu, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự các cấp.

Theo ý kiến này, các chủ thể trên đều có thẩm quyền trên cùng một địa bàn mà không phân biệt chủ thể phát hiện trước hoặc tính chất của vi phạm để làm căn cứ phân định thẩm quyền, nên cần tiếp tục nghiên cứu để phân định thẩm quyền cho phù hợp.