Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trước tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn biến phức tạp, tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Định đã Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch cụ thể để xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Bình Định, có kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
"Qua kiểm tra thì các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tích cực. Trong quá trình xử lý, yêu cầu phải chặt chẽ các trình tự, thủ tục. Xử lý không có vùng cấm, không bao che, không dung túng cho trường hợp nào cả. Nếu ai bao che, dung túng, sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật", ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, bắt đầu từ thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh ký Kết luận Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, thì không được phép phát sinh vụ việc mới, về lấn chiếm đất đai.
"Địa phương nào để phát sinh vụ việc mới sẽ bị xử lý rất nặng, còn tất cả vụ việc cũ đã thống kê hơn 14.000 vụ, từ năm 2024, chúng tôi có kế hoạch giao chỉ tiêu hằng năm để các địa phương phải từng bước xử lý các trường hợp vi phạm", ông Phạm Anh Tuấn nói.
UBND TP.Quy Nhơn vào cuộc quyết liệt, cưỡng chế các trường hợp là đảng viên vi phạm. Ảnh: DT/ "Xử lý có tình có lý, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên vi phạm phải xử lý trước"
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, quan điểm của lãnh đạo tỉnh, trong xử lý vi phạm phải có tình, có lý. Đặc biệt, phải có hướng xử lý phù hợp đối với những trường hợp người dân xây nhà từ lâu nhưng không biết thủ tục pháp lý về đất đai nên chưa làm hồ sơ, kê khai. Trường hợp là hộ nghèo, phải tính phương án để cấp đất cho bà con, có chỗ ở ổn định.
"Còn lại tất cả trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm, đúng theo Luật Đất đai qua từng thời kỳ. Địa phương sẽ phân loại, phân kỳ để xử lý, tỉnh sẽ giám sát, kế hoạch là 2-3 năm phải xử lý xong", ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu rõ nguyên tắc xử lý, đầu tiên phải xử lý trước lãnh đạo, cán bộ, đảng viên vi phạm để làm gương, có như vậy người dân mới chấp hành theo.
"Tôi đã yêu cầu có sự giám sát, báo cáo công việc để lãnh đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo", ông Phạm Anh Tuấn nói.