Theo đó, khoảng tháng 3.2024, Công an tỉnh Kon Tum phát hiện tài khoản Facebook có tên "Trung tâm giống cây trồng tỉnh Kon Tum" thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video quảng cáo bán cây giống sâm Ngọc Linh và củ sâm Ngọc Linh. Tài khoản Facebook này có hơn 1.200 lượt thích và 1.300 người theo dõi, có địa chỉ ở xã Ngọc Lây (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum).
Theo nội dung đăng tải, tài khoản Facebook này rao bán mỗi cây giống sâm Ngọc Linh loại 2 năm tuổi có giá từ 30.000 - 50.000 đồng.
Bài đăng rao bán sâm Ngọc Linh giả trên mạng xã hội
Nhận thấy vụ việc có nhiều nghi vấn, cơ quan công an đã triển khai kế hoạch điều tra, xác minh làm rõ. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định người trực tiếp quản lý và sử dụng tài khoản Facebook này là L.V.C.
Ngoài ra, L.V.C còn tạo tài khoản Zalo tên Amin, tự xưng là người dân xã Ngọc Lây, H.Tu Mơ Rông để giao dịch với khách hàng có nhu cầu mua cây giống và củ sâm Ngọc Linh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an phát hiện L.V.C thường xuyên trao đổi, bán số lượng lớn cây giống sâm, củ sâm Ngọc Linh cho khách hàng tại nhiều địa phương thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Ngày 14.5, cơ quan công an phát hiện L.V.C bán 150 cây giống sâm Ngọc Linh cho một người dân trên địa bàn TP.Kon Tum.
Loại sâm Trung Quốc này có đặc điểm giống với sâm Ngọc Linh
Cơ quan công an đã niêm phong, kiểm tra đơn hàng, làm việc với người mua hàng, đồng thời gửi toàn bộ 150 cây giống sâm trên đi kiểm định. Kết quả cho thấy toàn bộ 150 cây giống trong đơn hàng do L.V.C bán không phải là sâm Ngọc Linh.
Tại cơ quan công an, L.V.C khai nhận từ năm 2023 đến nay đã nhiều lần nhập sâm giống của một người tên là N.T.A.H (46 tuổi, ở Lào Cai). Toàn bộ giống sâm này đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, có đặc điểm nhận dạng giống với sâm Ngọc Linh. Sau khi nhập về L.V.C liền rao bán loại sâm Ngọc Linh đội lốt này trên mạng xã hội nhằm thu lợi bất chính.