Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Theo yêu cầu của Thủ tướng, đến hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6%, cả năm đạt 15 - 16% theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050...
Theo Thống đốc NHNN, hoạt động tín dụng ngân hàng luôn là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao với các văn bản Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Thông báo chỉ đạo NHNN và ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Về phía NHNN, đã kịp thời ban hành 8 văn bản chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng.
NHNN cũng đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến việc chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng, đặc biệt nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn. Cùng với đó, tăng cường truyền thông, Hội nghị kết nối, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho biết, tại một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy, tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Đến nay, vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, phát biểu tại sự kiện.
"Tính đến ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank tăng 2,4 % so với đầu năm. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngân hàng, bởi có thời điểm tăng trưởng âm", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên nhân là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Thời gian qua, Viecombank đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như cải tiến quy trình cấp tín dụng, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến…
"Tăng trưởng tín dụng cao hay thấp không phải hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí chủ quan của ngành ngân hàng, mà phụ thuộc lớn và sự hấp thụ vốn của nền kinh tế, vào cuộc của các nền kinh tế", lãnh đạo Vietcombank cho biết.
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ khả quan. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ.
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV, phát biểu tại sự kiện.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, NHNN đã chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, chỉ đạo các TCTD: Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản,…); rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế: lĩnh vực bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng,…
Cùng với đó, đã triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Thông tin thêm về hoạt động tín dụng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Dù tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023, song tốc độ tăng trưởng đã được cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Tuy nhiên, bà Hà Thu Giang cũng chia sẻ, tại một số địa phương, tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
“Điều đó cho thấy, về tổng thể, cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân”, bà Giang khẳng định.
Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan; đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024 cụ thể:
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2024 đảm bảo hiệu lực thi hành Luật từ 1/7; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Chính phủ yêu cầu hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết 93 đặt ra yêu cầu tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh.
Theo đó, tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh; các cấp, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần quyết tâm cải cách, đổi mới, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để chủ động, tích cực tập trung tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại, không đùn đẩy, né tránh và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo Minh Phương