Rác thải nhựa được thu thập để tái chế tại nhà máy ở Asker, đông nam Na Uy, ngày 21/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 19/6, Cao ủy châu Âu về môi trường, đại dương và nghề cá, ông Virginijus Sinkevicius cho rằng sẽ rất khó để các nước đạt được một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay theo đúng kế hoạch ban đầu.

Ông Sinkevicius đưa ra nhận định trên tại cuộc họp bộ trưởng môi trường EU trong tuần này. Theo đánh giá của ông, với tiến trình đàm phán hiện nay, sẽ rất khó để khép lại các cuộc thảo luận tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-5) tại Busan, Hàn Quốc, vào tháng 11 tới.

Các cuộc đàm phán về vấn đề loại bỏ ô nhiễm nhựa đã được khởi động sau khi Liên hợp quốc (LHQ) hồi tháng 3/2022 đã thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc thiết lập một hiệp ước toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. INC-5 là vòng đàm phán cuối cùng trong tổng số 5 vòng đàm phán mà LHQ công bố trước đó. Phiên họp thứ 4 INC-4 về rác thải nhựa đã diễn ra tại Ottawa, Canada, hồi tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên, các vòng đàm phán về vấn đề này gặp trở ngại do sự khác biệt quan điểm của các nước đối với một số vấn đề, bao gồm giới hạn sản xuất nhựa. Khoảng 60 nước, bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cho rằng hiệp ước toàn cầu này cần đặt ra giới hạn sản xuất nhựa. Tuy nhiên, một số nước bao gồm Saudi Arabia và Trung Quốc lại phản đối biện pháp này. Vì vậy, ông Sinkevicius lo ngại vòng đàm phán cuối cùng tại Busan có thể gặp bế tắc.

Nếu phiên họp tại Busan không thể đạt được thỏa thuận về hiệp ước toàn cầu nói trên, các nước cần nhất trí kéo dài đàm phán đến năm 2025 và thậm chí có thể lâu hơn nữa. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết một số quốc gia đã bày tỏ nỗ lực đạt được một hiệp ước cơ bản, ở cấp độ cao trong phiên họp tại Busan và sau đó có thể được bổ sung bằng những sửa đổi và nghị định thư trong tương lai.

Trong khi đó, ông Graham Forbes - Giám đốc dự án nhựa toàn cầu của tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) chi nhánh tại Mỹ ủng hộ việc kéo dài đàm phán, cho rằng điều này sẽ tốt hơn là việc nhất trí về một thỏa thuận không mang tính ràng buộc pháp lý mạnh mẽ.

Ô nhiễm nhựa không có biên giới và là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai sau biến đổi khí hậu. Ô nhiễm nhựa hiện diện khắp mọi nơi, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, đe dọa hệ sinh thái mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.