Gần đây đã có nhiều trường hợp tử vong do chó dại cắn, những nạn nhân này sau khi bị chó cắn đều chủ quan không đi tiêm phòng, khi phát bệnh thì đã quá muộn.
Điển hình ngày 17/6, trên địa bàn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) 6 trường hợp bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm ngừa, dẫn đến 1 người tử vong.
Liên tiếp các trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, chủ quan không đi tiêm phòng.
Tương tự, ngày 18/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận một bé trai tên Đ.S.H. (7 tuổi, ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên) nhập viện với biểu hiện mắc bệnh dại. Gia đình cháu bé cho biết trước đó khoảng một tháng có bị chó cắn, sau khi cắn bé trai chó đã chết, trẻ cũng chưa được tiêm phòng bệnh dại.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến ngày 16/4, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh dại tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Cùng đó, có đến 43,8% người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường nên không đi tiêm vaccine phòng dại.
Ông Đức cũng nhắc đến việc một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, trong đó việc gia tăng ca tử vong do bệnh dại có nguyên nhân là nhiều trường hợp chủ quan không tiêm vaccine, kháng huyết thanh kịp thời sau khi bị chó, mèo cắn và vẫn chữa bệnh bằng phương pháp không được công nhận.
Không tiêm vaccine phòng dại cho chó bị xử phạt
Chủ nuôi bắt buộc phải tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó của mình. Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Lê Hoàng Phúc An, hệ thống Luật sư X cho biết, theo quy định, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó của mình.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP), phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền quy định tại Chương II của nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, khoản 3 Điều 24, khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của nghị định này. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, chủ vật nuôi mà không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo có thể bị xử phạt với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như không đeo rọ mõm, không có xích dắt, không tiêm phòng dại... để chó cắn người gây thương tích hoặc làm chết người thì phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Xem thêm bài viết được quan tâm: