Theo báo cáo, đây là những cá nhân có tài sản thanh khoản từ 1 triệu USD trở lên, còn được gọi là cá nhân có giá trị ròng cao (HNWI). Chuyên gia Dominic Volek của Công ty Henley & Partners nhận định trong bối cảnh thế giới vật lộn với căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế và xã hội, ngày càng có nhiều triệu phú tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản và lợi ích của mình và người thân.

Một cầu đi bộ tại đảo Bluewaters ở TP Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Ảnh: Reuters

Đài CNBC hôm 19-6 dẫn nội dung báo cáo cho biết Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là điểm đến ưa thích nhất của giới siêu giàu trong năm nay khi dự kiến thu hút 6.700 triệu phú. Đây là năm thứ 3 liên tiếp UAE đứng đầu danh sách này, một phần nhờ các yếu tố như chính sách thuế, vị trí chiến lược, hạ tầng… Quốc gia Trung Đông này còn có chương trình "thị thực vàng" nhằm thu hút nhà đầu tư, doanh nhân và người tài từ bên ngoài. Xếp sau UAE là Mỹ và Singapore, dự kiến lần lượt thu hút 3.800 và 3.500 triệu phú trong năm nay. Bảy cái tên còn lại trong tốp 10 lần lượt là Canada, Úc, Ý, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, theo báo cáo, Trung Quốc dự kiến ghi nhận nhiều triệu phú rời khỏi đất nước nhất trong năm nay (15.200 người), theo sau là Anh (9.500 người) và Ấn Độ (4.300 người). Các yếu tố liên quan kinh tế và căng thẳng địa chính trị góp phần khiến nhiều triệu phú Trung Quốc chọn ra đi, với Mỹ là điểm đến hàng đầu. Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định tình trạng hỗn loạn về kinh tế và chính trị khiến Anh không còn là điểm đến hàng đầu cho giới nhiều tiền trên thế giới. Ngoài ra, nhiều triệu phú Ấn Độ muốn ra nước ngoài để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn và môi trường sạch hơn.