Cha dạy nghề, lo cho con ăn ngủ
Khi tác nghiệp tại cột 178, 179, chúng tôi được nghe câu chuyện thú vị về cái “duyên” đưa 2 cha con cùng xung phong tăng cường ra Bắc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 và vô tình được bố trí làm việc tại cùng một vị trí. Hai người cha là anh Đoàn Thế Thuận, Phó Giám đốc Truyền tải điện Đắk Lắk và anh Hoàng Văn An, công nhân quản lý vận hành đường dây tại Đội truyền tải điện Krong Buk, Truyền tải điện Đắk Lắk. Còn hai người con là Đoàn Thế An Phát, Hoàng Thiên Phúc, đang công tác tại Truyền tải điện Khánh Hòa. Sự trùng hợp này như có “duyên” tiền định vì hai cặp cha con không cùng đơn vị, đều xung phong tăng cường xây dựng đường điện 500kV mạch 3 và không hẹn trước.
Dưới cái nắng nóng cháy da, cháy thịt, dù là lãnh đạo, điều hành công việc chung, nhưng anh Đoàn Thế Thuận vẫn bám công trường, cùng làm việc trực tiếp với các kỹ sư, công nhân để đẩy nhanh tiến độ. Anh Thuận chia sẻ, nhiệm vụ lần này rất quan trọng vì đây là công trình đánh dấu 30 năm ngày đóng điện vận hành công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, một kỳ tích của Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ trước, viết tiếp bản hùng ca của ngành điện.
Vừa lấy tay gạt những giọt mồ hôi trên gương mặt đen sạm vì nắng, Hoàng Thiên Phúc vừa tâm sự, bố làm trong ngành truyền tải điện, có những giai đoạn, cả năm bố được nghỉ phép về nhà thăm gia đình vài lần nên Phúc biết được những gian lao vất vả của công việc mà bố đang theo đuổi. Công việc của bố vất vả là vậy nhưng không hiểu sao, em ấy vẫn thích, vẫn yêu cái nghề này và Phúc được đứng trong hàng ngũ cùng với bố.
Hoàng Thiên Phúc cho biết, em không biết bố cũng xung phong tăng cường xây dựng đường điện 500kV Quảng Trạch - Phố Nối này. Cơ quan cũng không ép buộc, nếu cán bộ xét thấy đủ điều kiện thì xung phong, còn không đảm bảo được công việc, cũng như sức khỏe thì không phải đi tăng cường. Khi nhận được chủ trương của Công ty, Phúc xác định, mình là thanh niên, cần xung kích đi đầu, đi đến các điểm khó khăn, gian khổ để rèn luyện, góp sức trẻ cống hiến cho đất nước.
Anh Đoàn Thế Thuận đang chỉ cho con những kỹ thuật để lắp ghép các thanh giằng ở cột 179.
“Khi xung phong tình nguyện đi tăng cường, em có gọi điện cho bố mẹ, lúc đó mới biết bố cũng xung phong ra Bắc. Rồi ra đến đây, hai bố con lại may mắn được bố trí làm việc cùng công trường. Được làm việc với bố, các bác, các anh, em được chỉ bảo rất nhiều. Những kiến thức thực tế sẽ giúp em nâng cao nghiệp vụ, phục vụ cho công việc sau này”, Phúc chia sẻ.
Cũng như Hoàng Thiên Phúc, Đoàn Thế An Phát vốn dĩ trong mình đã tồn tại “ADN” của ngành truyền tải điện nên cũng xung phong và lên đường ngay đợt đầu. “Tăng cường ra Bắc thực hiện nhiệm vụ, được gặp bố, sát cánh cùng với bố trên một công trường, em thấy mình càng tự hào về nghề, tự hào về truyền thống gia đình. Em còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, kỹ thuật thực tế. Khi được làm việc cùng bố trên công trường, em được bố chỉ bảo rất nhiều. Những kiến thức bố chỉ bảo vừa giúp ích cho em trong công việc hiện nay và sau này”, An Phát chia sẻ.
Anh Hoàng Văn An cùng con thi công trên công trường
Dù lao động trong thời tiết khắc nghiệt “vượt nắng, thắng mưa”, cùng với những khó khăn trong sinh hoạt, nhưng Thiên Phúc và An Phát không quản ngại, cố gắng hết sức mình để vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ. An Phát cho biết, vì tiến độ của dự án, mỗi người đều làm việc với cường độ cao, nhưng hai em có bố bên cạnh động viên, nhắc nhở từ nếp sinh hoạt, cũng như chăm lo cho từng bữa cơm, nên các em rất yên tâm làm việc.
“Mỗi tối, bố đều gọi điện, nhắn tin nhắc em ngủ sớm. Đến bữa cơm, bố động viên em ăn thêm để bảo đảm sức khỏe, chống chọi với nắng nóng, nâng cao hiệu quả lao động. Được bố chăm sóc, động viên, không có lý do gì để em phải chùn bước, chỉ có một ý chí tiến lên, khi nào hoàn thành nhiệm vụ, mới xách ba lô về đơn vị”, An Phát nói cứng.
Hạnh phúc khi con yêu nghề, nối nghiệp
Anh Hoàng Văn An gói chiếc điện thoại của mình vào túi ni lông để tránh bị mồ hôi làm ướt, hỏng điện thoại
Trên công trường nắng gắt, hình ảnh những bộ đồ bảo hộ màu cam dày cộp của công nhân, kỹ sư điện lực ướt sũng mồ hôi đã ngả màu. Tuy vất vả là vậy, nhưng anh Thuận, anh An hạnh phúc khi các con trưởng thành, có niềm đam mê với nghề mà các anh đã theo đuổi, đem đến giá trị truyền thống của gia đình.
Anh Đoàn Thế Thuận chia sẻ: “Khi tôi nhận được điện thoại của An Phát báo đã xung phong đi tăng cường xây dựng đường điện 500kV mạch 3, thực sự trong lòng tôi rất vui sướng, vì con đã không ngại gian khổ, dám dấn thân vào những việc khó khăn để cống hiến”. Cùng chung tâm trạng như anh Thuận, anh Hoàng Văn An với khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng vẫn nở nụ cười tươi kể, bản thân anh đã tham gia giám sát, thi công nhiều công trình truyền tải điện ở miền Trung, Tây Nguyên. Ở đâu có nhiệm vụ là lên đường, không ngại gian khó. Lần này cũng vậy, nhận nhiệm vụ là xách ba lô lên đường. “Tôi không giải thích được vì sao con mình theo nghiệp của bố vì chúng tôi không định hướng cho con. Chỉ biết rằng, sau khi học xong phổ thông, cháu xin bố mẹ dự tuyển vào Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung. Ra trường cũng theo nghiệp truyền tải điện của bố”, anh An kể.
“Chúng tôi chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều cán bộ, công nhân, kỹ sư thuộc ngành truyền tải điện quốc gia có truyền thống “cha truyền, con nối” từ mọi miền Tổ quốc đang xung kích, trên công trường dự án trọng điểm này. Điều đó thể hiện truyền thống, văn hóa, tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc, sẵn sàng vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của cán bộ ngành điện”Anh Thuận nói
Có lần, anh An nói với con trai rằng nghề truyền tải điện rất gian khổ nhưng cháu vẫn quyết tâm theo. “Cách đây 30 năm, khi xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, mỗi dịp hè tôi lại theo chân các anh chị đi vác xi măng xây cột điện, kiếm tiền đi học. Nghề truyền tải, xây lắp điện cũng tương tự như những người lính, thường rong ruổi trên các công trường. Nên khi có lệnh, tôi xung phong lên đường ngay”, anh An chia sẻ.
Với anh An, việc cả cha và con cùng được tham gia vào công cuộc xây dựng công trình trọng điểm quốc gia, thi công cùng vị trí, góp phần đưa dòng điện từ miền Trung ra Bắc phục vụ phát triển kinh tế đất nước là một kỷ niệm khó quên, một niềm vui, tự hào khôn tả.
(Còn nữa)
Nhóm PV Bạn đọc