Dây chuyền chế biến thịt gà tại nhà máy của Công ty C.P Việt Nam ở KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Lượng phát thải trên chủ yếu từ ngành trồng lúa chiếm 50%, chăn nuôi 19%, quản lý đất và sử dụng phân bón chiếm 13%.... Vì vậy, nỗ lực giảm phát thải sẽ không thể thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp cùng với nông dân.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công – nông nghiệp thực phẩm, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) luôn đặt vấn đề bảo vệ sinh thái môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh lên hàng đầu. Công ty đã đưa ra những chiến lược cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xuyên suốt chuỗi sản xuất và cung ứng, hướng đến mục tiêu là doanh nghiệp không phát thải vào năm 2050.

Ông Pawalit Ua Amornwanit – Tổng Giám Đốc C.P. Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nỗ lực hướng tới trở thành doanh nghiệp xanh qua việc xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, kiên định xây dựng chiến lược phát triển bền vững với những bước đi vững chắc; đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với lợi ích môi trường và xã hội.

Theo đó, C.P. Việt Nam sử dụng năng lượng hiệu quả như: Tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo gồm: năng lượng sinh khối (biomass energy), năng lượng khí sinh học (biogas), năng lượng mặt trời; áp dụng công nghệ đổi mới trong quá trình sản xuất và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn để góp phần thúc đẩy phát triển xanh và bền vững. Đến nay, trong hoạt động kinh doanh, năng lượng chiếm đến 38% năng lượng sử dụng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với mong muốn tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm tài nguyên, C.P. Việt Nam lựa chọn thiết bị, máy móc tiêu thụ năng lượng thấp và hiệu quả sản xuất cao. Mặt khác, đổi mới công nghệ bằng việc sử dụng các hệ thống sản xuất tự động và robot; tinh giản quy trình và thời gian sản xuất để giảm tiêu thụ năng lượng của các nhà máy (nhà máy thông minh).

Để cân bằng phát thải, khôi phục hệ sinh thái và chung tay cùng mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh, C.P. Việt Nam đã và đang thực hiện dự án “C.P. Việt Nam – Hành trình Việt Nam xanh 2021-2025” với mục tiêu trồng và chăm sóc 1,5 triệu cây xanh tại các tỉnh thành Việt Nam chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt…

Tiến quân đầu tư vào nông nghiệp muộn hơn so với nhiều “anh cả” trong ngành, song Công ty cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa (Tập đoàn Xuân Thiện) cũng xác định phải lựa chọn công nghệ, quy trình sản xuất đảm bảo yếu tố môi trường. Tập đoàn xác định sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào chuỗi sản xuất từ trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, tạo chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, khép kín.

Riêng trong chăn nuôi, doanh nghiệp áp dụng công nghệ lọc khí khử mùi cùng với chế độ ăn giúp giảm, hạn chế thấp nhất mùi trong chất thải. Chất thải được xử lý triệt để qua hệ thống cào liên tục, tập trung về nơi xử lý, tách chất thải rắn qua nhà máy chế biến phân vi sinh. Nước thải được đưa qua hệ thống biogas, bể lắng, bể vi sinh vật và được xử lý đạt tiêu chuẩn quay lại tái sử dụng trong trang trại chăn nuôi.

"Phương pháp này vừa giúp tiết kiệm nước, vừa đảm bảo về môi trường trong và ngoài trang trại. Ngoài ra, trang trại chăn nuôi nằm trong thung lũng, có đồi núi tự nhiên bao quanh và được trồng thêm rất nhiều cây xanh, có hồ điều hoà làm vùng đệm, đảm bảo an toàn dịch bệnh và giữ gìn môi trường", ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa bày tỏ.

Với các sản phẩm nông sản xuất khẩu ra thế giới thì việc gắn cùng với giảm phát thải sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng. Có thế mạnh xuất khẩu trên 50 tỷ USD/năm, nông sản Việt nếu không sẵn sàng để gia nhập xu hướng này, tương lai sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh bởi sản phẩm sẽ bị đẩy giá lên cao khi bị đánh thuế carbon.

Thực hiện cuộc cách mạng xanh toàn cầu và thực hiện cam kết Net Zero về phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hàng rào kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thuế carbon hướng tới phát triển xanh bền vững. Điển hình như quy định chống phá rừng (EUDR) của EU có hiệu lực từ năm 2025.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu, Công ty cổ phần Phúc Sinh đã xác định xây dựng một ngành hàng phát triển bền vững nên trước khi quy định của EU ra đời, doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất cà phê bền vững từ năm 2012. Công ty liên tục mở rộng diện tích sản xuất hàng năm với mục tiêu đạt tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (Rainforest Alliance).

Ông Nguyễn Duy Tâm, Giám đốc Phát triển bền vững - Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, cuối năm 2024, doanh nghiệp sẽ có những diện tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn này và khi đó sẽ đáp ứng yêu cầu quy định EUDR của EU.

"Phúc Sinh muốn khẳng định với thế giới rằng, Việt Nam đã hướng tới sản xuất bền vững từ rất lâu, chứ không phải chỉ khi thị trường nhập khẩu đưa ra các quy định thì các doanh nghiệp mới đi thực hiện", ông Nguyễn Duy Tâm nói.

Ông Nguyễn Duy Tâm cũng chia sẻ, doanh nghiệp đang cùng các đơn vị tư vấn kiểm đếm lượng carbon phát thải để tìm ra các khâu trong chuỗi sản xuất từ trang trại, nhà máy đến phân phối, khâu nào còn phát thải cao. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra các giải pháp giảm phát thải.

Chẳng hạn, trong khâu sản xuất ở nông trại, những diện tích áp dụng sản xuất bền vững đa số sử dụng phân bón hữu cơ, lượng phát thải sẽ thấp. Song những hộ còn sử dụng nhiều phân bón vô cơ, từ các mô hình mẫu, doanh nghiệp sẽ từng bước hướng dẫn nông dân giảm lượng phân bón này. Để tạo động lực cho nông dân, sản phẩm áp dụng sản xuất bền vững sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ trên thế giới đang là xu thế. Trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực phát thải cao như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Cả 3 lĩnh vực này đều phải các giải pháp hành động quyết liệt, đồng bộ để giảm phát thải.

Thủ tướng Chính phủ đã và sẽ phê duyệt các đề án bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp. Giải quyết đồng bộ trên các lĩnh vực thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0. Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nếu áp dụng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải.