Số liệu được NHNN công bố tại hội nghị cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 14/6 mới đạt 3,79%, vẫn còn cách khá xa yêu cầu của Thủ tướng là hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6% và cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra.

Theo NHNN, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, khác với những năm trước, ngay từ đầu năm nay, NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, ngân hàng nào không cho vay được thì điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác.

"Sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại", ông Tú nói tại hội nghị.

Theo ông Tú, NHNN "sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới".

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị

Nói về vấn đề tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ban Lãnh đạo NHNN rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ban lãnh đạo NHNN đã có những chuyến công tác và làm việc với địa phương và có nhiều văn bản chỉ đạo. Tính từ đầu năm, NHNN đã ban hành 08 văn bản (gồm 01 Chỉ thị, 01 Quyết định, 01 Thông báo, 05 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng. Tổ chức những hội nghị ở Trung ương cũng như ở Chi nhánh NHNN các tỉnh/thành phố, tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, người dân, giải quyết các vấn đề liên quan tới lãi suất, tín dụng.

Cùng với đó, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng. Đặc biệt, nâng quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn.

Mặc dù ngành Ngân hàng nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Do vậy, Thống đốc đề nghị Hội nghị tập trung làm rõ một số điểm sau:

Một là, đánh giá nguyên nhân tín dụng tăng chậm, phân tích những tồn tại, hạn chế nào đã được khắc phục, chưa khắc phục được và dự đoán những khó khăn, thách thức có thể phát sinh trong việc triển khai công tác tín dụng thời gian tới.

Hai là, làm rõ tăng trưởng tín dụng đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa, đã tập trung vào những động lực tăng trưởng kinh tế hay chưa, những động lực nào có/khó khả năng, tiềm năng để thúc đẩy và qua đó chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp; Đặc biệt, không chỉ trong ngắn hạn, chúng ta phải đánh giá, chuẩn bị từ sớm, từ xa những yêu cầu về tín dụng xanh, về tín dụng đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đối với môi trường, biến đổi khí hậu để chúng ta có những giải pháp sớm ngay từ bây giờ.

Ba là, đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới dựa trên những đánh giá phân tích, dự báo tình hình, có khó khăn và thách thức gì.

Bốn là, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phải tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng đúng, trúng, kiểm soát được rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Làm thế nào để vừa tăng trưởng tín dụng, làm thế nào để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì các giải pháp cần gì từ phía NHNN, các TCTD và từ phía các bộ, ngành có liên quan; Đồng thời làm rõ các kiến nghị đối với Chính phủ; Tín dụng gắn với ngân hàng, nhưng tín dụng cho doanh nghiệp và người dân mà doanh nghiệp và người dân chịu tác động rất nhiều từ cơ chế, chính sách, tác động của kinh tế thế giới và trong nước cho nên giải quyết vấn đề tín dụng không chỉ cần sự cố gắng của riêng ngành Ngân hàng mà cần rất nhiều giải pháp từ phía các bộ, ngành.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách đến người dân; làm rõ thực trạng, khó khăn của công tác tín dụng để có đánh giá khách quan, toàn diện để thấy được hệ thống ngân hàng nhận diện được chúng ta phải làm gì và các cơ quan liên quan cũng thấy được những vấn đề nào gây cản trở hoặc ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng để các cơ quan này có những giải pháp phù hợp…

Sáu là, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tổng hợp kết quả Hội nghị, tham mưu các giải pháp chính sách, báo cáo Ban Lãnh đạo NHNN để tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.

Theo Mạnh Đức