Bài viết nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến Việt Nam diễn ra chưa đầy 1 năm sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ.
FT dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia tại Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá Việt Nam “chủ động trung lập”, khác với những quốc gia thụ động hơn. “Hà Nội biết mình phải tích cực cân bằng các quyền lực khác nhau... vì đó là cách để Việt Nam có lợi ích từ cả ba cường quốc. Nếu không (Việt Nam) sẽ bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị mà không thể xoay xở”, ông Giang nói với FT.
Khoảnh khắc Tổng thống Putin đến sân bay Nội Bài, rạng sáng 20/6. (Nguồn: Viory)
Bài viết đề cập chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam được triển khai từ mấy thập kỷ trước, khi Hà Nội quyết định trở thành bạn của tất cả các nước.
Bài viết giải thích về chính sách đối ngoại mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi bằng khái niệm “ngoại giao cây tre”, với ý nghĩa “gốc khỏe, thân vững, cành uyển chuyển”. Với chủ trương này, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam.
Khi thăm Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Biden ca ngợi việc nâng cấp quan hệ đối tác như một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của nhiều tập đoàn lớn như Apple, khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và Nga. Cả hai đều là đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2008 và 2012.
FT dẫn lời nhà nghiên cứu Susannah Patton, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy (Úc), đánh giá Việt Nam “rất khéo léo” trong điều hướng mối quan hệ với Trung Quốc, bằng cách giữ cân bằng hợp lý “giữa thách thức và tôn trọng”.
“Việt Nam có lợi từ chính sách đối ngoại đa hướng của mình và có quan điểm phù hợp với nhiều đối tác”, nhà nghiên cứu Susannah Patton nhận xét.
Các nhà phân tích nói với FT rằng lãnh đạo Việt Nam rất thực tế trong chính sách đối ngoại và hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ với đa phương, để có thể vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng.
Bài viết dẫn lời nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cấp cao và điều phối viên chương trình nghiên cứu Việt Nam tại Iseas, cho rằng việc tiếp đón Tổng thống Nga Putin là “vấn đề nguyên tắc”, để Việt Nam thể hiện sự cân bằng và đa dạng trong chính sách đối ngoại của mình.
“Việt Nam có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các đối tác khác nhau”, ông Hiệp nói.
Thu Loan
Theo FT