Thầy Vũ Văn Chức hướng dẫn trẻ tự kỷ di chuyển bằng bóng.

Thay vì buông xuôi, họ luôn đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường. Ước mơ cháy bỏng là con có thể tự phục vụ nhu cầu cá nhân và hòa nhập cộng đồng…

Ngược, xuôi vì con cháu

Ở Trung tâm Hoa Xuyến Chi (Bắc Giang) có hơn 25 trẻ bị tự kỷ nặng đang được giáo dục đặc biệt. Vừa lau hành lang, vừa phải đảo mắt quan sát hai đứa cháu tự kỷ, kẻo chúng “nghịch dại”, bà Nguyễn Thị Đặng (74 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho hay: “Ba bà cháu đến trung tâm được vài tháng nay. Bố mẹ các cháu còn đi làm công nhân, kiếm tiền nuôi con, gánh vác gia đình. Thương con, cháu nên tôi quyết định cùng đến trung tâm để tiện chăm nom các cháu”. Bà Đặng cho biết, thông cảm sẻ chia với hoàn cảnh gia đình, trung tâm chỉ thu học phí một cháu.

Bà Đặng kể, khi bác sĩ chẩn đoán cháu nội bị tự kỷ, cả nhà như rơi vào vực thẳm, không ai tin đó là sự thật. Dù điều kiện tài chính eo hẹp, nhưng hễ có thông tin ai mách là bố, mẹ cháu bỏ việc, bồng bế con đi khám, chữa trị.

3 năm sau, con dâu bà lại có bầu cháu thứ hai và đặt trọn niềm tin, hy vọng vào lần mang thai này. Ngày bé trai kháu khỉnh ra đời, cả nhà hân hoan chào đón trong niềm hạnh phúc vô bờ. Khi cháu được khoảng 18 tháng, những dấu hiệu khác thường xuất hiện khiến cả nhà lại rơi vào thấp thỏm, lo âu.

“Thật trớ trêu, bác sĩ kết luận cháu thứ hai cũng mắc căn bệnh tự kỷ. Mọi thứ sụp đổ, bao nhiêu hy vọng bỗng vỡ vụn”, bà Đặng chua xót nói.

Sau đó là chuỗi ngày dài đằng đẵng gia đình phải “chịu trận” vì những trò phá phách của các cháu. Có hôm, cháu đổ hết mắm, muối, tương, cà ra nghịch. Hôm thì gào thét, la lối om sòm. Khổ nhất là cháu không biết tự vệ sinh cá nhân.

“Nhiều hôm tôi không để ý, cháu còn bôi phân ra nhà. Bố mẹ cháu đi làm công nhân, tôi ở nhà trông hai đứa mà mệt hơn đánh vật. Những lúc nhìn hai đứa đùa nghịch trong vô thức mà lòng tôi quặn thắt”, bà Đặng buồn bã.

Thầy Vũ Văn Chức và các “học trò đặc biệt” tại Trung tâm Hoa Xuyến Chi. Ảnh: TG.

Ước mong bình dị

Sau hơn 3 tháng gửi con đến Trung tâm Hoa Xuyến Chi, anh Phạm Huy Nam (Hà Nội) nhận thấy con có sự chuyển biến tích cực. Từ một cậu bé nặng gần 80kg, sau hơn 2 tháng rèn luyện ở trung tâm, cháu còn nặng khoảng 70kg. Điều đáng mừng nhất là con anh Nam không còn la hét, chạy nhảy, phá phách và đã biết lắng nghe.

Biểu hiện rõ nhất là đến bữa ăn, dù đã bày đồ ăn, thức uống, nhưng nếu chưa được cho phép cháu vẫn ngồi trật tự. Khác hẳn với trước đây, thích là làm, nếu không thì cháu sẽ gào thét, đập phá hoặc cướp giật đồ ăn. “Với tôi, đó là một sự thay đổi kỳ tích ở con mình”, anh Huy Nam nói.

Theo anh Huy Nam, 100% các con đến Trung tâm Hoa Xuyến Chi từ 2 tuần trở lên đều có tiến bộ như: Ngủ ngon, ăn uống điều độ hơn. Các tật: La hét, động kinh, lảm nhảm được cải thiện rõ rệt và sức khỏe vận động tốt hơn. Trước đây, gần như không ngày nào gia đình anh Huy Nam được yên ổn bởi sự “tăng động”, quậy phá của con trai tự kỷ. Ngoài ông, bà nội ngoại thay nhau chăm sóc, gia đình anh phải thuê thêm người giúp việc, giáo viên giáo dục đặc biệt để kèm cháu. Thế nhưng, tất cả đều “bất lực” với cháu.

Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, chị Cúc ở Hà Nội không khỏi xót xa khi con gái mắc chứng tự kỷ điển hình, không có ngôn ngữ và nhận thức không bằng trẻ 1 tuổi. Cho đến bây giờ, cháu vẫn chưa tự phục vụ được nhu cầu cá nhân, ngay cả việc đi vệ sinh.

“Nếu con bị bệnh do không được quan tâm, yêu thương thì tôi đỡ đau lòng. Đằng này, cả nhà tôi dành hết tình yêu để chăm sóc con. Có hôm con gào khóc cả buổi tối. Hôm thì cứ nhìn thấy mẹ là con đấm, tát, cào cấu vào mặt. Những lúc như thế, tôi phải trùm chăn kín từ đầu đến chân để không bị chấn thương. Càng nhìn con lớn phổng phao như một thiếu nữ, tôi càng xót xa. Ước mong tưởng như giản đơn nhưng cháy bỏng của tôi là con có những kỹ năng sống đơn giản như: Tự uống nước, xúc cơm ăn, tự đi vệ sinh và có thể nói chuyện, biểu lộ cảm xúc”, chị Cúc bộc bạch.

Trung tâm Hoa Xuyến Chi hiện có hơn 25 trẻ tự kỷ theo học. Trung tâm do thầy Vũ Văn Chức đảm nhiệm, trực tiếp dìu dắt các em. Mỗi cháu một hoàn cảnh và có những biểu hiện tự kỷ khác nhau.

Giơ ngón tay út cong vẹo của mình, thầy Chức cho biết, đó là “tai nạn nghề nghiệp” khi thầy phải ôm giữ một học trò đang quậy phá. Những lúc như thế, các cháu phản kháng rất khỏe nên không may ngón tay đó bị chấn thương. Cũng vì quậy phá mà nhiều gia đình buộc phải cho con uống thuốc an thần dù đã được khuyến cáo nếu sử dụng dài ngày có thể dẫn đến hại thận, gan.

Ở trung tâm không dùng thuốc tây, cách điều trị của thầy Chức là “Thiền năng lượng rung động”. Phương pháp này của thầy đã giành được Huy chương Vàng sở hữu trí tuệ.

Theo đó, thầy Chức hướng dẫn vận động cho trẻ tự kỷ, biến lớp học thành không gian luyện tập, mà ở đó mỗi đứa trẻ đều được yêu thương và đồng hành.

Thầy Chức tập luyện cho các em đi xe đạp 1 bánh và di chuyển bằng bóng. Phương pháp này giúp trẻ tập trung, kiên trì vào một việc, từng bước khắc phục sự “tăng động”. Yêu thương và kỷ cương; tu tài - tiêu tật! Xuất sắc chắc chắn khỏe mạnh! Học mà chơi, chơi mà chữa lành - phương pháp này luôn được thầy Chức vận dụng triệt để.

Theo thầy Vũ Văn Chức, điều cần thiết nhất là tạo ra một cộng đồng để các em có thể sống, sinh hoạt và hỗ trợ lẫn nhau toàn thời gian. Từ đó, các em sẽ có môi trường an toàn, ổn định và yêu thương để phát triển. Nhiều em, sau quá trình trau dồi, luyện tập bền bỉ, đã thực hiện được các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày một cách thành thục. Thậm chí có em tự tạo ra được giá trị lao động để sau này có thể sống tự lập.

Điều mong mỏi lớn nhất của thầy Vũ Văn Chức là, Nhà nước, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cùng chung tay chia sẻ với những gia đình không may có con bị tự kỷ.