Thiên Phước mắc Hội chứng Down nên dù đã 26 tuổi nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ lên 10. Em đang chuẩn bị lên lớp 5, học tại Trung tâm Bảo trợ và dạy nghề người khuyết tật TP.HCM. 7 năm nay, từ ngày Phước được ba dành toàn thời gian chăm sóc, gõ cửa từng lớp học ngoại khóa và CLB để hòa nhập, em tiến bộ và đạt nhiều huy chương trong các giải thể thao người khuyết tật.

Phước khoe huy chương trong các giải thể thao người khuyết tật.

Những tấm huy chương thay lời nói

Thời trẻ, ông Nghĩa và vợ là bà Hoàng Phượng (61 tuổi) cũng như bao đôi vợ chồng trẻ khác, không bao giờ dám nghĩ mình sẽ sinh ra một đứa con khuyết tật. Khi mẹ mang thai Phước, bác sĩ đã thông báo trước rằng em sẽ chậm phát triển về trí tuệ. Nhưng đồng thời cũng động viên vợ chồng ông, Phước vẫn có thể phát triển, tiến bộ nếu kiên trì dạy dỗ.

Ngày Phước chào đời, đôi vợ chồng trẻ đã mừng rỡ khi thấy con mình lành lặn. "Với chúng tôi điều đó đã là quá đỗi hạnh phúc", ông Nghĩa nói.

Ngày đó, bà Phượng ở nhà chăm con đến khi con 7 tuổi mới bắt đầu đi làm lại. Phước ốm đau liên miên, cứ phải nhập viện hàng tháng. Vợ chồng ông nhớ rõ từng lối đi, từng viên gạch sứt mẻ trên hành lang bệnh viện.

Lúc bấy giờ, thông tin trên mạng chưa có nhiều, nhưng hễ nghe ở đâu có lớp hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc con, ông bà đều tham dự. Cũng nhờ thế mà Phước được đến trường can thiệp sớm từ năm 5 tuổi. Nhưng mải đi làm lo kinh tế gia đình, vợ chồng ông chỉ biết phó thác Phước cho thầy cô.

Nét chữ của Thiên Phước.

Cho đến năm 7 tuổi, Phước bắt đầu biết nói. Nghe con gọi tiếng ba, ông Nghĩa mừng rơi nước mắt. Nỗi xúc động còn dài thêm khi con bật ra những cảm xúc của mình: "Trời nắng quá. Nước lạnh quá".

Đó cũng là khoảnh khắc ông Nghĩa nhận ra: "Mình chưa từng dạy con cách gọi tên cảm xúc như vậy. Rõ ràng là con có nhận thức, mình có thể dạy con".

Được bác sĩ cho biết trẻ Hội chứng Down giảm trương lực cơ, vận động và giữ thăng bằng kém, ông Nghĩa thử dạy cho con tập đi xe đạp. Trẻ em bình thường tập vài buổi là có thể đạp bon bon, riêng Phước mất cả năm… Đổi lại sự kiên trì đó là Phước đã nhiều lần đổi xe đạp, từ kích thước nhỏ đến lớn, bây giờ có thể đạp xe rất giỏi.

Trước đây, ông Nghĩa cũng không dám mơ con có thể đi học, biết chữ nhưng giờ đây rất tự hào khi con đã học lên đến lớp 5. Dù quá trình chinh phục tấm bằng tiểu học của em đến nay cũng ngót nghét hơn 10 năm.

Ông Nghĩa theo sát con trong mọi hoạt động, từ đó nhận thấy con tiến bộ nhanh hơn ngày trước.

7 năm trước, ông Nghĩa quyết định nghỉ hưu sớm để toàn tâm chăm sóc cho Phước. Từ đó, ngoài đi học ở trường, Phước còn tham gia thêm nhiều CLB thể thao người khuyết tật, có nhiều bạn bè mới để trò chuyện. Ông nhớ rõ lời của nhiều người từng nói với vợ chồng ông rằng: "Những đứa trẻ mắc Hội chứng Down thì vô phương, nhưng ông khẳng định con chỉ thật sự vô phương khi không có sự đồng hành của ba mẹ".

Phước từng được sang Thái Lan để tham dự giải đá banh của người khuyết tật và đạt huy chương đồng. Nhưng đến nay, chàng trai lại có đam mê lớn hơn với bộ môn bocce – bi gỗ. Môn này khiến em tập trung, tính toán đường bi chuẩn xác để giành chiến thắng. Năm ngoái, anh đã giành huy chương vàng cá nhân tại vô địch thể thao người khuyết tật TP.HCM mở rộng.

Từ ngày có ông Nghĩa ở nhà chăm sóc, sức khỏe của Phước khá hơn, em cũng tiến bộ hơn trong học tập và trong việc giao tiếp. Trước đây, hễ gặp người lạ là Phước chạy trốn, nghe tiếng động mạnh là sợ hãi.

Mọi quyết định đều có giá trị của nó

Để làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ khuyết tật, tình thương bản năng thôi là chưa đủ. Với ông Nghĩa, ông cảm thấy bản thân phải học tập rất nhiều. Học từ trên mạng, từ phụ huynh khác và thậm chí phải luôn suy nghĩ để thay đổi trong cách tư duy, dạy con như thế nào cho phải. Nhưng nghĩ lại, ông vẫn tiếc, tiếc vì không nghỉ việc sớm hơn để ở bên con nhiều hơn.

Từ ngày chồng nghỉ việc, gánh nặng kinh tế đè lên vai bà Phượng. Ở tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi thì nay bà vẫn hằng ngày chạy xe máy đi hơn 10 km để làm việc. Bà nhớ lại, khi 2 vợ chồng còn cùng đi làm, gia đình bà thường hay đi du lịch, chi tiêu thoải mái nhưng giờ phải tằn tiện gói ghém lại. Những lần dẫn Phước đi leo núi ở Sapa, đi du lịch Đài Loan, Trung Quốc… là những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình nhỏ.

Chủ nhật được nghỉ làm, bà Phượng cùng 2 cha con Thiên Phước tham gia sinh hoạt ở CLB thể thao.

Trong căn nhà cũ nhiều năm chưa sửa sang của vợ chồng ông Nghĩa, những tấm huy chương các môn thể thao của Phước treo trang trọng. Đó không chỉ ghi nhận thành tích và sự tiến bộ của Phước mà còn là niềm hãnh diện của vợ chồng ông.

Ngày ấy, hai vợ chồng đã đi đến một quyết định rất day dứt là không sinh thêm con để dành hết tình yêu thương cho Phước. Ông Nghĩa sợ, nếu mình sinh thêm một đứa con bình thường, khỏe mạnh, mọi yêu thương và ưu tiên sẽ dành cho đứa trẻ đó thì Phước sẽ chịu thiệt thòi.

Nhưng giờ đây, nhìn tóc mình đã lấm tấm muối tiêu, họ cũng tiếc khi đã không sinh thêm con, để đứa em đó sau này có thể thay mặt ông bà chăm sóc cho anh trai của mình.

"Nhưng lựa chọn nào cũng có cái giá của nó, Phước đang sống, trưởng thành bằng tất cả những yêu thương và niềm tin tuyệt đối mà vợ chồng tôi đã dành trao…", ông Nghĩa tâm sự.

Ngày của Cha (Father's Day) theo văn hóa của Mỹ là ngày lễ tôn vinh quyền làm cha, gắn kết gia đình, cũng như ảnh hưởng của những người cha trong xã hội. Ngày lễ này nhằm vào ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6 hằng năm.