Trong hội nghị trực tuyến toàn ngành mới đây của Ngân hàng Nhà nước, những vấn đề, giải pháp xoay quanh việc tăng trưởng tín dụng và lãi suất đã được đưa ra phân tích. Đáng chú ý, phía Ngân hàng nhà nước cho biết đang đề xuất sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn.

Gói 120.000 tỷ đồng sẽ được điều chỉnh nhằm tăng tỷ lệ giải ngân. Ảnh: Đức Thanh

Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, công tác địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Trước đó, trong Nghị quyết số 93/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/6, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương đã được giao rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, tính đến hết quý I/2024, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được 0,5%. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, hiện các ngân hàng mới chỉ cam kết cấp tín dụng cho 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, tương đương 0,5% gói tín dụng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng có tiến độ giải ngân còn chậm. Trong đó, các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm việc nhiều địa phương chưa công bố đầy đủ danh mục dự án đủ điều kiện vay, nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng và mức lãi suất vẫn còn cao.

Hiện mức lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng rơi vào khoảng 8%/năm với chủ đầu tư và 7,5%/năm với người mua nhà. Nhìn sang gói tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, mức lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội chỉ khoảng 4,8%/năm.

Tại họp báo thường kỳ quý II/2024, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết, Bộ Xây dựng đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.