Sáng 20.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến tại phiên thảo luận sáng 20.6

Góp ý, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề xuất, thay vì áp dụng mô hình thành phố trong Thủ đô Hà Nội, nên xây dựng thủ đô trong TP.Hà Nội, tức Thủ đô Hà Nội trong TP.Hà Nội.

"Ý của tôi là nên chăng các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn Hà Nội là TP.Hà Nội, gồm tất cả, kể cả Thủ đô Hà Nội và các các khu vực khác", ông Thân nêu, cho biết đây là ý kiến ông day dứt và thấy cần phát biểu.

Đại biểu Thái Bình phân tích, nếu xây dựng mô hình thủ đô trong TP.Hà Nội thì mới có đủ nguồn lực để tập trung cho thủ đô. 63 tỉnh, thành mới có khả năng để vì Hà Nội. Theo ông Thân, Hà Nội bây giờ có 12 triệu dân, và tới 2030 là 17 - 18 triệu dân. Hà Nội cũng có nhiều ưu thế phát triển hơn các tỉnh, thành khác. 63 tỉnh, thành sẵn sàng đóng góp cho Thủ đô Hà Nội chứ không thể để các tỉnh, thành đóng góp cho TP.Hà Nội.

Cũng theo đại biểu Thân, việc này các nước đã làm, nhiều nước làm chứ không phải ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta.

Theo ông Thân, nội thành để xác định là Thủ đô Hà Nội có thể 4 - 6 quận. Và nếu làm như vậy thì Thủ đô Hà Nội sẽ là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế.

"Nếu tư duy như thế, chúng ta sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội nằm trong TP.Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, như là Tổng Bí thư và Thủ tướng đã nói", ông Thân nêu và mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội nên nghiên cứu đề xuất xây dựng Thủ đô Hà Nội trong TP.Hà Nội.

"TP.Hà Nội vì Thủ đô Hà Nội, còn lại các tỉnh, thành cũng vì Thủ đô Hà Nội thì may ra chúng ta mới có thể làm được và ước vọng của chúng ta mới đạt được kết quả", ông Thân nêu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận sáng 20.6

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) thì đề nghị quy hoạch lại TP.Hà Nội cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ. Đây là vấn đề "phải tìm mọi cách để làm".

Đại biểu Trí cũng đề xuất phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội, việc này phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. "Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, để lại tình trạng đến bây giờ rất khó để xử lý, sửa chữa, nhân đợt này chúng ta hạn chế dần, không có mới và quy hoạch lại để thay đổi", ông nói.

Ông Trí cũng đề nghị đường trên cao chỉ nên phát triển ở ngoài nội đô. Trong phố, nơi đông đúc thì hạn chế tối đa. "Phố cổ thì không nên làm đường cao tầng đã đành rồi nhưng kể cả những phố rất đẹp cũng không nên làm đường cao tầng, vì sẽ ngăn cản tầm nhìn và làm xấu thành phố", ông Trí nêu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ, để thực hiện cải tạo, chỉnh trang khu vực này theo cách mà đại biểu Nguyễn Văn Thân đề xuất.

Theo ông Cường, phải hỗ trợ cho họ về nơi ở và phải thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của những người dân này, nhưng người ta lại được hỗ trợ về chỗ ở. Nếu được hỗ trợ như thế thì tự những người dân sẽ dành không gian phố cổ trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại.

"Tài sản vẫn của người ta, người ta có thể tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho những nhà đầu tư vào cải tạo trở thành nơi lưu trú, thành nơi kinh doanh ăn uống", ông Cường nêu và cho rằng, theo cách này, có thể phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng.