Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Quy hoạch tốt giao thông đô thị, an toàn cháy nổ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, vấn đề quy hoạch lại thành phố cần chú ý việc làm đường rộng, đường thoáng để phòng các sự cố cháy nổ hay vấn đề nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặt vấn đề xóa bỏ nhà ống ở Hà Nội, phải bàn với dân, tạo được sự đồng thuận cao.

"Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, đến bây giờ rất khó xử lý và sửa chữa. Nhân đợt này chúng ta hạn chế dần để không có nhà ống mới và quy hoạch lại để thay đổi", đại biểu Trí nhấn mạnh. Ông nói thêm, việc cải tạo chung cư cũ là rất tốt trong bối cảnh trình trạng cháy nổ xảy ra hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc. Việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: quochoi.vn)

Quan tâm vấn đề xây dựng trục sông Hồng thành trung tâm phát triển của Thủ đô, phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử đô thị hiện đại, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết: "Các đề án đặt mục tiêu đến năm 2035 Hà Nội cơ bản giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm dòng sông. Tôi thấy rất ấn tượng".

Đối với đường trên cao, ông Trí đề nghị quy hoạch phát triển ngoài thành phố, hạn chế xây ở nội đô và những nơi đông đúc như phố cổ hay phố nhiều nhà cao tầng hiện đại. Đường trên cao trong phố sẽ ngăn tầm nhìn, làm xấu mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, quy hoạch Thủ đô mang tầm quốc gia, do vậy phải mang tất cả những yếu tố hội tụ và mang tính đại diện cho sự phát triển của cả nước.

Đại biểu Cường nêu 3 vấn đề trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này.

Vấn đề thứ nhất, phải tập trung giải quyết nút thắt lớn nhất của Hà Nội hiện này là giao thông ùn tắc. Trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, hình thành mạng lưới giao thông đủ khả năng kết nối để người dân có thể sử dụng đường sắt bất kể địa điểm nào trên khu vực Thủ đô. Hệ thống này sẽ tự động thay thế các phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Vấn đề thứ hai, Hà Nội phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải sinh hoạt khi ra môi trường đã sạch, không ô nhiễm.

Thứ ba là cần phải có cơ chế hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ. Muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này phải hỗ trợ người dân nơi ở và phải thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của những người dân này.

"Nếu được hỗ trợ như thế thì tự người dân sẽ dành không gian này trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại. Như vậy chúng ta sẽ phát triển được không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm", đại biểu Cường nêu.

Phát triển cảng hàng không thứ 2

Trả lời ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lập Đồ án điều chỉnh và Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội đồng thẩm định vào tháng 4/2024.

Đồ án này đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Thành ủy Hà Nội đã báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2024.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Nghị, đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 tại Quyết định 1259.

Đồ án lần này được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững cũng như xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị, gồm vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía Đông, vùng đô thị phía Bắc, vùng đô thị phía Tây, vùng đô thị phía Nam. Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh cũng như liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, đồ án lần này đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn.

"Chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô. Về hạ tầng, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, trong quy hoạch đã xác định phát triển Cảng hàng không thứ 2 trong vùng Thủ đô cũng như để xác định hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian, giai đoạn sắp tới", Bộ trưởng Nguyễn Thanh nghị nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch và sau 2 năm tập trung cao độ cho công tác lập quy hoạch đến nay đã hoàn thành lập tổng cộng 109/111 quy hoạch, trong đó đã hoàn thành 93/111 quy hoạch.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: quochoi.vn)

Các quy hoạch bám sát vào nhiệm vụ, nghị quyết, chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển của Thủ đô, nhất là Nghị quyết 30 về phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và Nghị quyết 15 về phát triển Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy đột phá. Quan điểm định hướng phát triển như thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội...

"Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là 1 trong 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước", Bộ trưởng Dũng nêu vấn đề.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch đã thể hiện được định hướng phát triển, là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực; tiếp cận với các xu hướng mới, về phát triển xanh hay kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, những xu thế mới nhất, các kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế đã nghiên cứu trong đồ án này.

Tuy nhiên, để quy hoạch này thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: "Quy hoạch Thủ đô là vấn đề lớn, là vấn đề khó, chắc chắn sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại, Thủ tướng phê duyệt thì Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch này một cách khả thi nhất, trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, thứ tự, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên, tổ chức thực hiện để có được một bức tranh của Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn".

PHẠM DUY