Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, là những địa phương nuôi trồng và khai thác hải sâm chính ở nước này.
Ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc, người ta có thể thấy hình ảnh của hải sâm ở rất nhiều nơi, đặc biệt trên đảo Kiến. Sở dĩ hòn đảo này mang tên đảo Kiến, bởi hải sâm ở đây nhiều như kiến. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng khá lớn, đảo Kiến đã trở thành khu bảo tồn hải sâm hoang dã ở Đại Liên. Tháng 5 là mùa khai thác chính trong năm.
Bà Thẩm Ngạn Lệ, Giám đốc tiếp thị của Tập đoàn Phát triển Đại dương đảo Kiến Đại Liên, cho biết vào mùa khai thác hàng ngày tàu cá trên đảo đều ra biển đánh bắt hải sâm. “Mỗi thuyền có 2 người đánh bắt. Họ sẽ chọn những con hải sâm có kích cỡ 3 con/500g và bắt từng con một. Phải mất hơn 5 năm để hải sâm đạt được kích thước thế này. Đây là lần lựa chọn đầu tiên. Sau khi đánh bắt về, chúng tôi còn phải phân loại lần hai. Nếu không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ thả lại xuống biển. Loại hải sâm này có giá từ 120-160 nhân dân tệ (khoảng 420.000-560.000 đồng) mỗi 500 gram trên thị trường.”
Hải Sâm ở Đại Liên
Là vùng đất có mùa Đông giá rét, lại sẵn hải sâm, người dân Đại Liên nói riêng và miền Bắc Trung Quốc nói chung có thói quen ăn loại hải sản này để phòng hàn. Ông Cung Đức Kiến, Trưởng phòng Văn hóa và Du lịch khu mới Kim Phổ, Đại Liên, chia sẻ: “Theo văn hóa ẩm thực của địa phương chúng tôi, vào mùa Đông, để chống lại cái rét, người dân bản địa và thậm chí người dân toàn miền Bắc có thói quen mỗi ngày ăn một con hải sâm. Hải sâm rất hiệu quả trong việc chống cảm lạnh và tăng cường khả năng miễn dịch.”
Sau khi đánh bắt từ biển, hải sâm trên đảo Kiến sẽ ngay lập tức được đem đi sơ chế. Chỉ trong vòng khoảng 1 tiếng kể từ khi đánh bắt, những con hải sâm đã được làm sạch nội tạng và luộc qua để đưa từ đảo vào bờ tiếp tục chế biến sâu hơn.
Tháng 5 là mùa khai thác chính trong năm.
Theo bà Thẩm Ngạn Lệ, nếu trong vòng 6 tiếng không được chế biến, hải sâm sẽ biến thành nước. Mỗi năm, đảo Kiến khai thác khoảng 100 tấn hải sâm và con số này biến động theo số lượng dưới biển: “Diện tích mặt nước của đảo Kiến là 50.000 mẫu (33,3km2). Trong toàn bộ vùng biển này, tất cả hải sâm của chúng tôi đều là hải sâm hoang dã không có sự can thiệp của con người. Hiện nay, ở Trung Quốc còn rất ít nơi có hải sâm hoang dã thực sự như đảo Kiến. Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng việc bảo tồn tài nguyên. Cả hòn đảo chỉ có khoảng 20 người tham gia đánh bắt hải sâm. Hải sâm của chúng tôi chủ yếu bán ở Đại Liên và trong nước.”
Khác với Đại Liên, thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, chủ yếu nuôi trồng hải sâm. Nếu ở Đại Liên, hải sâm hoang dã thường được đánh bắt khi được 5 năm, thì ở Uy Hải chỉ cần nuôi 3 năm là có thể thu hoạch.
Theo ông Lưu Học Nhân, Chủ tịch trang trại nuôi trồng hải sản Tang Câu Loan (Sanggouwan) ở Uy Hải, Đại Liên là nơi cung cấp giống cho 2 vùng nuôi hải sâm lớn ở Trung Quốc là Uy Hải của tỉnh Sơn Đông và Hà Phố của tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam nước này. “Mỗi năm công ty tôi khai thác hơn 5000 tấn hải sâm, nhiều nhất lên tới 15.000 tấn. Nguồn lợi thủy sản của Uy Hải có rất nhiều, trong đó hải sâm chỉ chiếm một phần nhỏ.”
Thế mạnh của Uy Hải là tập trung ở khâu chế biến.
Thế mạnh của Uy Hải không chỉ nằm ở nuôi trồng hải sản, trong đó có hải sâm, mà tập trung ở khâu chế biến và kết hợp giữa nuôi trồng với du lịch. Ngoài hải sản của Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp tại đây còn chế biến các loại hải sản nhập khẩu từ Việt Nam và nhiều quốc gia có nguồn lợi hải sản phong phú khác, vừa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và cả các quốc gia châu Phi.