Tiền không giải quyết vấn đề

Móng vuốt - bộ phim Việt đầu tiên có quái thú được tạo ra bằng VFX (hiệu ứng hình ảnh) - đang có số phận phòng vé hẩm hiu. Dù được đánh giá là bước tiến của kỹ xảo Việt nhưng hiện phim chỉ thu được hơn 3,7 tỉ đồng, trong khi đã tiêu tốn vài chục tỉ đồng. Lâu nay kỹ xảo trong phim Việt luôn bị chê bai. Nhưng giờ đây, việc khâu này đã có tiến bộ vượt bậc vẫn gần như không giúp ích được gì cho phim.

Trước Móng vuốt, phim Người mặt trời cũng được đánh giá cao phần kỹ xảo nhưng cũng thảm bại phòng vé. Lý do thất bại của cả 2 phim nằm ở câu chuyện, cách kể không hấp dẫn.

Kỹ xảo mượt không thể giúp phim Móng vuốt bán vé tốt vì nội dung phim không hay

Chất lượng phim là một trong những thách thức mà ngành kỹ xảo phải đối mặt trên bước đường phát triển. Đây cũng là nhận định được ông Lê Anh Dy - CEO blankNegatives, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam (VAVA) - đưa ra tại hội nghị VFX Việt - Pháp 2024 do VAVA phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp tổ chức ngày 17/6. Quả thật, đối với khán giả, điều thu hút ở một bộ phim là cốt truyện hấp dẫn, nội dung chứ không phải kỹ xảo. Doanh thu trăm tỉ đồng của phim Quỷ cẩu - một tác phẩm kinh dị có kỹ xảo “lởm” - là minh chứng. Kịch bản hay cộng với kỹ xảo tốt sẽ giúp tổng thể phim chất lượng hơn, nhưng nếu cốt truyện dở, không để lại ấn tượng gì thì VFX dù tốt cũng vẫn sẽ như vô hình.

Ngoài kịch bản yếu, kinh phí ít cũng là rào cản của ngành. Một chuyên gia VFX cho biết, tạo hình con gấu trong Móng vuốt, nếu thực hiện ở nước ngoài có thể tốn hàng chục triệu USD. Trong khi ở Việt Nam tổng kinh phí dành cho phim, kể cả chi phí phát hành, chỉ tầm 30 tỉ đồng, tương đương hơn 1 triệu USD. Hiện nay phim nào cũng dùng VFX, nhưng mức chi thường chưa tới 10% tổng chi phí làm phim.

Đối thủ trên sân nhà

So với nhiều nước trên thế giới, ngành VFX trong nước còn rất non trẻ. Lợi thế chủ yếu nằm ở đội ngũ nhân lực trẻ và chi phí thấp nên các studio nội mới có cơ hội góp mặt trong nhiều dự án bom tấn của nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, yếu tố nhân lực trẻ dần dần cũng không còn là thế mạnh cạnh tranh. Tại thị trường nội địa, ngoài khó khăn về kinh phí và chất lượng phim, các studio đang đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các studio ngoại làm về kỹ xảo. Có thể kể đến Giant Swing Production, Jet Studio (Nhật), Skyfall Studio, Ditus Studio, Synapse, West World, The Last VFX, Stone-V, Opim (Hàn Quốc), Bonjpur SG, Xilam (Pháp)…

Phim Người vợ cuối cùng làm kỹ xảo tại studio Hàn Quốc ở Việt Nam

Ông Lê Anh Dy cho biết: “Cách đây 10 năm, chỉ có 2-3 studio nước ngoài mở tại Việt Nam, nhưng hiện nay đã có hơn 30 cái. Họ mở trụ sở tại Việt Nam vì giá nhân công rẻ. Mỗi studio nước ngoài quy mô cỡ 200 người trong khi Việt Nam nhiều nhất chỉ có 50-70 người. Các studio nước ngoài nhân lực đông, các khâu được chuyên nghiệp hóa nên giá thành không cao so với studio Việt. Một số dự án phim Việt có kinh phí rủng rỉnh một chút bắt đầu tìm đến các studio nước ngoài làm kỹ xảo. Như phim Người vợ cuối cùng được Hàn Quốc đầu tư, phát hành nên họ muốn người Hàn làm kỹ xảo luôn”.

Sự đổ bộ của các studio ngoại kéo theo việc chảy máu chất xám. Ông Lê Anh Dy cho biết: “Các studio nước ngoài mở ở Việt Nam trả cho nhân công Việt mức lương cao hơn 1/3 so với studio Việt nên hút lao động. Nhưng lương cũng không phải là yếu tố quyết định mà môi trường làm việc, phúc lợi, được tham gia các dự án lớn mới là lợi thế của studio ngoại”.

Sự yếu thế của các studio nội một phần do chưa được liên kết và ngành VFX Việt cũng chưa được hưởng những chính sách ưu đãi như các nước khác. Việt Nam chưa có Hiệp hội VFX, VAVA cũng chỉ đang trong quá trình xin giấy phép thành lập. Trong khi các quốc gia mạnh về điện ảnh đều có Hiệp hội VFX và ngành này được chính phủ tạo điều kiện phát triển. Tại hội nghị VFX Việt - Pháp 2024, ông Yann Marchet (Hiệp hội VFX Pháp) cho biết với kỹ xảo làm tại Pháp, “nếu chi tiêu tối thiểu 250.000 euro, sẽ được giảm giá 30%. Chi trên 2 triệu euro được ưu đãi giảm 40%”.

Quy mô nhỏ, trình độ tay nghề không thể sánh với nước ngoài, các studio Việt khó có thể cạnh tranh với studio ngoại trên sân nhà. Hợp tác quốc tế được nhận định là chìa khóa then chốt để khai thác tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành VFX tại Việt Nam. Đây cũng là nội dung chính của hội nghị VFX Việt - Pháp 2024.

Hương Nhu