Những chiếc bình còn nguyên trên xác tàu dưới đáy biển - Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel

Một con tàu có niên đại khoảng 3.300 năm, được cho là cổ xưa nhất từ trước tới nay, vừa được phát hiện ở độ sâu 1,8 km dưới đáy biển Địa Trung Hải, cách bờ biển miền Bắc Israel 90 km.

Con tàu được phát hiện trong cuộc khảo sát tiềm năng khí đốt tự nhiên do tập đoàn năng lượng Energean thực hiện. Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết hàng hóa trên con tàu, với hàng trăm chiếc bình của người Canaan cuối Thời đại đồ Đồng, vẫn còn nguyên vẹn.

Trưởng phòng Cổ vật Hải dương thuộc IAA, Jacob Sharvit nói: "Dường như con tàu đã bị chìm do gặp bão hoặc cướp biển, vốn rất phổ biến vào cuối Thời đại đồ Đồng. Phát hiện này có thể làm thay đổi hiểu biết về lịch sử.

Lần đầu tiên kỹ năng hàng hải của các thủy thủ thời cổ đại được tiết lộ. Vị trí tàu đắm cho thấy họ đã thực hiện hành trình trên Địa Trung Hải mà không có một bờ biển nào nằm trong tầm quan sát. Để định hướng, có lẽ họ đã dựa vào quan sát các thiên thể, như góc của Mặt trời và vị trí của các ngôi sao".

Hai chiếc bình còn nguyên được vớt lên từ đáy biển - Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel

Chuyên gia Sharvit cũng cho biết từ trước tới nay, giới khảo cổ chỉ phát hiện 2 xác tàu đắm chở hàng hóa cuối thời kỳ đồ Đồng trên Địa Trung Hải, đều được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cả 2 con tàu này đều nằm tương đối gần bờ, cho thấy chúng phục vụ hoạt động buôn bán từ cảng này sang cảng khác dọc theo bờ biển.

Ngoài ra, con tàu mới phát hiện ở độ sâu nên được bảo tồn gần như nguyên vẹn kể từ thời điểm gặp nạn. Thân tàu và hàng hóa không bị yếu tố con người như các thợ lặn hay ngư dân làm xáo trộn; cũng không bị ảnh hưởng bởi sóng biển và các dòng chảy.