Người Hồi giáo trong cuộc hành hương Hajj hướng tới thánh địa Mecca
Các số liệu từ các nước có người tham gia lễ hành hương Hajj năm nay tại thành phố Mecca (Saudi Arabia) cho thấy, trên 900 người đã tử vong trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trong khi hàng nghìn người được thông báo mất tích.
Khoảng 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia lễ hành hương Hajj kéo dài nhiều ngày, với các hoạt động chủ yếu tổ chức ngoài trời, trong khi nhiều người hành hương tuổi cao và ốm yếu. Thành phố Mecca - thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi - đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 51,8 độ C trong ngày 17-6. Các nghi thức truyền thống tại lễ Hajj, trong đó có việc leo lên núi Arafat, đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe của người hành hương trong điều kiện khí hậu hiện nay.
Saudi Arabia đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như tạo ra các khu vực có bóng râm, các điểm cấp nước cũng như nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe. Biện pháp phun nước vào đám đông để làm mát cũng được thực hiện, song được cho là kém hiệu quả vì nếu nhiệt độ quá cao, phun nước không giúp làm mát người, thậm chí có thể gây thêm rủi ro khi cơ thể người cố gắng tỏa nhiệt qua mồ hôi trong điều kiện ẩm ướt.
Trong khi đó, hiện tượng sóng nhiệt đang quét qua khu vực phía Tây Bắc nước Mỹ, khiến nhà chức trách phải phát cảnh báo nguy hiểm với trên 77 triệu cư dân, từ tiểu bang Iowa đến Maine. Ở New York, một hình ảnh báo hiệu mùa hè đang đến và kéo theo là cái nóng ngột ngạt, mỗi năm càng trở nên khắc nghiệt hơn: vòi cứu hỏa mở và đường phố biến thành công viên nước thu nhỏ. Đây là những gì đã xảy ra hôm 18-6 khi đợt nắng nóng đầu tiên của mùa xuất hiện, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hầu hết nước Mỹ cho đến cuối tuần này.
Người dân tắm giải nhiệt trong ngày nắng nóng tại hồ Michigan, Chicago, Mỹ
Tại Mỹ, nắng nóng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thời tiết. Theo một báo cáo được công bố hôm 18-6, chỉ riêng ở New York, khoảng 350 người tử vong vào mỗi mùa hè do nắng nóng. Hầu hết trong số đó là những trường hợp tử vong do nhiệt độ cao, có nghĩa là nhiệt độ cao làm trầm trọng thêm căn bệnh tiềm ẩn. Sóng nhiệt cũng có thể làm tăng áp lực đối với nguồn nước và năng lượng, gây mất điện. Thêm nữa, chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và cháy rừng, cũng như tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp.
Những đợt nắng nóng như đợt mà nước Mỹ đang trải qua trong tuần này đang trở nên cực đoan và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, năm ngoái, nước này đã ghi nhận số đợt nắng nóng cao nhất kể từ năm 1936. Để đối phó với nắng nóng gay gắt, chính quyền tiểu bang và địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng đã triển khai nhiều kế hoạch khẩn cấp khác nhau. Một số bang, bao gồm New York, Ohio và Pennsylvania, đã lập các trung tâm làm mát như bảo tàng, thư viện, trung tâm cộng đồng và cửa hàng, lắp đặt máy lạnh, phục vụ ban ngày.
Tại New York, Thống đốc bang Kathy Hochul đã huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia, và Thị trưởng New York Eric Adams thông báo rằng Sở Cứu hỏa sẽ sẵn sàng mở vòi chữa cháy và lắp các đầu phun để tạo ra một kiểu đài phun nước giúp người dân giải nhiệt. Mặc dù việc mở vòi nước mà không thông báo cho cơ quan chức năng là bất hợp pháp nhưng cũng không có gì lạ khi thấy ai đó tự ý làm việc đó.
Còn tại Ấn Độ, đợt nắng nóng kéo dài bao trùm miền Bắc nước này, đẩy nhiệt độ lên tới gần 50 độ C, khiến các bệnh viện quá tải với hàng nghìn bệnh nhân bị ảnh hưởng vì nền nhiệt ở mức cao cả ngày lẫn đêm. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hơn 40.000 ca nghi sốc nhiệt đã được ghi nhận trong mùa hè năm nay, và ít nhất 110 người đã tử vong do nắng nóng kể từ đầu tháng 3.
Cơ quan thời tiết cũng dự báo nhiệt độ trong tháng này ở Ấn Độ sẽ cao hơn mức bình thường, trong bối cảnh chính quyền cho biết các thành phố của Ấn Độ đã trở thành “bẫy nhiệt” do phát triển không cân bằng. Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ đạo các tổ chức liên bang và tiểu bang ưu tiên chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là ở Thủ đô New Delhi, nơi các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng và thiếu giường bệnh.