Vô sinh là một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi khả năng sinh sản bị suy giảm hoặc không có. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh là bệnh lý của hệ thống sinh sản được xác định là tình trạng không có khả năng thụ thai sau 12 tháng quan hệ tình dục thường xuyên mà không áp dụng biện pháp tránh thai.
Cả nam giới và phụ nữ đều có các yếu tố rủi ro góp phần gây vô sinh như do di truyền, môi trường hoặc liên quan đến lối sống. Một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến gây vô sinh ở cả nam và nữ chính là béo phì.
Theo ThS.BS. Lê Quang Dương, chuyên gia sức khỏe sinh sản, béo phì được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra vô sinh ở cả nam và nữ. Phụ nữ béo phì khó có con, cân nặng dư thừa và mỡ bụng càng nhiều thì càng khó thụ thai.
Béo phì làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, có thể dẫn đến vô kinh, làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ rối loạn rụng trứng, ảnh hưởng đến chất lượng trứng rụng, từ đó làm giảm cơ hội thụ tinh.
Phụ nữ béo phì có nguy cơ sảy thai. Béo phì cũng làm giảm kết quả công nghệ hỗ trợ sinh sản và làm tăng các biến chứng thai kỳ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, các vấn đề hô hấp…
Đối với nam giới, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì ở nam giới ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản, không chỉ làm giảm chất lượng tinh trùng mà còn làm thay đổi cơ bản cấu trúc sinh lý cũng như phân tử của tế bào mầm trong tinh hoàn. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của đàn ông càng cao thì khả năng có số lượng tinh trùng thấp càng tăng.
Phụ nữ béo phì và mỡ bụng càng nhiều thì càng khó thụ thai. 2. Béo phì làm giảm khả năng mang thai ở phụ nữ
Béo phì làm giảm tỷ lệ mang thai thành công trong chu kỳ thụ thai tự nhiên. Nhiều nghiên cứu báo cáo rằng phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có xu hướng khó mang thai hơn phụ nữ có cân nặng bình thường. Hơn nữa, khi mang thai, phụ nữ béo phì có tỷ lệ sảy thai cao hơn.
Thừa cân cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hormone bất thường ảnh hưởng đến quá trình sinh sản ở cả phụ nữ và nam giới. Các tín hiệu hormone bất thường do thừa cân sẽ tác động tiêu cực đến quá trình rụng trứng và sản xuất tinh trùng. Ở phụ nữ, nó có thể gây ra tình trạng sản xuất quá nhiều insulin, gây rụng trứng không đều.
Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa béo phì, sản xuất insulin dư thừa và tình trạng vô sinh được gọi là hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là một tình trạng bệnh lý cụ thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, không rụng trứng (giảm hoặc ngừng rụng trứng), béo phì và nồng độ hormone nam tăng cao.
3. Nam giới càng béo phì, nguy cơ vô sinh càng tăngBéo phì không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ mà các nghiên cứu gần đây được thực hiện tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường quốc gia Hoa Kỳ (NIEHS) đã xác nhận rằng nam giới có chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng có nguy cơ vô sinh cao hơn đáng kể so với nam giới có cân nặng bình thường.
Sự bất thường về nội tiết tố ở nam giới ảnh hưởng đến việc kích thích tinh hoàn và ức chế sản xuất tinh trùng. Chất béo dư thừa khiến nội tiết tố nam testosterone chuyển hóa thành estrogen và estrogen làm giảm kích thích tinh hoàn.
Nghiên cứu cũng cho biết, chỉ số BMI cao ở nam giới có liên quan đến mức testosterone giảm. Đàn ông có chỉ số BMI cao thường cũng thường có kết quả phân tích tinh dịch bất thường.
4. Người béo phì cần làm gì để cải thiện khả năng sinh sản?
Vì béo phì có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản nên việc điều chỉnh lối sống và giảm cân là vô cùng quan trọng. Giảm cân giúp tăng khả năng sinh sản và mang thai đủ tháng thành công. Giảm cân cũng có tác dụng cả khi sử dụng các phương pháp nhân tạo bao gồm kích thích rụng trứng và hỗ trợ thụ thai.
Để giảm cân an toàn, các chuyên gia y tế khuyến cáo người thừa cân béo phì cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp. Về chế độ ăn uống, nguyên tắc chung là cần đảm bảo năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng tiêu hao nhưng vẫn đảm bảo đủ sức khỏe để làm việc.
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, các sản phẩm từ sữa ít béo, chất béo lành mạnh và uống đủ nước. Hạn chế hoặc loại bỏ các thực phẩm giàu năng lượng. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đường bổ sung, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và rượu…
Người béo phì cần giảm cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh.
Cần nghĩ cách để vận động nhiều hơn, thường xuyên hơn với các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe như: đạp xe, đi bộ, bơi lội, aerobic… Mỗi tuần nên tập tối thiểu 4-5 lần.
Ngoài ra cần lưu ý chế độ sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giờ, ngủ đủ thời gian vì ngủ ít cũng gây béo vì làm giảm quá trình tiêu mỡ.
Theo dõi cân nặng, chỉ số BMI, chu vi vòng eo và tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Người béo phì cũng có thể sử dụng các ứng dụng hoặc nhật ký để ghi lại lượng thức ăn tiêu thụ, hoạt động thể chất và tâm trạng của mình.
Nếu việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống không giúp đạt được cân nặng khỏe mạnh hoặc cải thiện khả năng sinh sản, người béo phì nên gặp bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn các biện pháp hiệu quả.