“Lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao phóng từ biển nhằm vào cơ sở huấn luyện phi công và nhân viên bảo trì của Không quân Ukraine. Cuộc tấn công đã đạt được mục đích. Tất cả các mục tiêu đã bị nhắm trúng”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Nga tập trung tiến công trên hai mặt trận

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết các cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát Novooleksandrivka ở Donetsk vẫn đang diễn ra. Quân đội Nga tập trung nỗ lực vào mặt trận Pokrovsk và Kurakhove.

Theo báo cáo, tổng cộng 116 cuộc giao tranh đã được ghi nhận trong ngày Chủ nhật ở Ukraine.

Quân đội Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công tên lửa, 47 cuộc không kích (sử dụng 70 quả bom dẫn đường), 444 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử, đồng thời bắn 3.227 lần vào các vị trí của Ukraine.

“Hôm nay, đối phương tập trung tấn công mặt trận Pokrovsk và Kurakhove. Lực lượng phòng thủ đã biết kế hoạch của đối phương và đang làm mọi cách để ngăn cản họ”, trích thông báo.

Pháo binh Nga chặn nỗ lực luân chuyển lực lượng của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị pháo tự hành 2S1 Gvozdika của nước này đã làm gián đoạn việc luân chuyển của quân đội Ukraine theo hướng Donetsk.

“Pháo binh của lữ đoàn súng trường cơ giới số 5 thuộc cụm quân phía nam đang tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công theo hướng Donetsk nhằm vào các vị trí bắn, các cơ sở quân sự và xe bọc thép của lực lượng vũ trang Ukraine”, RT trích thông báo.

Một phi đội máy bay không người lái đã phát hiện hoạt động luân chuyển của các đội bộ binh và súng cối Ukraine tại các vị trí được nguỵ trang trong khu định cư Krasnogorovka. Tọa độ của các đơn vị quân đội Ukraine đã được truyền tới tổ pháo tự hành 2S1 Gvozdika. Tổ pháo binh đã tấn công lực lượng Ukraine, tạo điều kiện cho các đơn vị xung kích Nga cải thiện thế trận ở tiền tuyến.

Nga nói Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công của Ukraine nhằm vào Crimea

Nga cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea. Vụ tấn công có liên quan đến 5 tên lửa do Mỹ cung cấp, và được cho là có gây thương vong.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/6 cho biết 4 tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, được trang bị đầu đạn chùm, đã bị hệ thống phòng không bắn hạ, trong khi đầu đạn của tên lửa thứ 5 phát nổ giữa không trung. Các mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống gần một bãi biển ở phía bắc thành phố Sevastopol.

Bộ này cáo buộc các chuyên gia Mỹ đã giúp thiết lập toạ độ bay của tên lửa trên cơ sở thông tin từ các vệ tinh do thám của Mỹ, nghĩa là Washington phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc này.

“Trách nhiệm trong vụ tấn công nhằm vào dân thường ở thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea trước hết thuộc về Mỹ - quốc gia cung cấp những vũ khí này cho Ukraine, và bởi Ukraine - quốc gia đã thực hiện vụ tấn công”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa hơn với tầm bắn 300 km vào đầu năm nay.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ đáp trả cuộc tấn công hôm 23/6, nhưng không nêu chi tiết. Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đang liên lạc với quân đội để cập nhật tình hình.

Cả Ukraine và Mỹ đều chưa bình luận về vụ việc.

Bán đảo Crimea sáp nhập Nga hồi năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Ukraine không công nhận.

Quan chức Triều Tiên chỉ trích Mỹ mở rộng việc hỗ trợ Ukraine

Hôm nay (24/6), một quan chức cấp cao Triều Tiên chỉ trích Mỹ mở rộng việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, hãng thông tấn KCNA đưa tin.

Trong một tuyên bố được đăng trên KCNA, ông Pak Jong Chon, một trong những quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên, cho rằng Nga có "quyền lựa chọn bất kỳ hình thức tấn công trả đũa nào".

Ông nhắc đến phát biểu mà Lầu Năm Góc đưa ra tuần trước rằng, Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lực lượng Nga trong lãnh thổ Nga.

Ông Pak khẳng định, Triều Tiên sẽ luôn sát cánh cùng quân đội và nhân dân Nga trong “cuộc đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền”.

Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Triều Tiên và gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng, nơi hai nhà lãnh đạo ký kết hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược, trong đó có điều khoản về cam kết hỗ trợ nhau trong trường hợp có hành vi gây hấn chống lại một bên.

Minh Hạnh

Theo Tass, Pravda