Mảnh vỡ tàu vũ trụ rơi ở Trung Quốc.
Vụ việc được cho là xảy ra hôm 23/6 trong quá trình phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 2C của Trung Quốc, mang vệ tinh Trung - Pháp từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương.
Địa điểm phóng, chỉ dành riêng cho việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo, nằm trong một thung lũng cách thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc khoảng 85 km về phía tây bắc.
Đoạn clip ghi lại hình ảnh trông giống như một tên lửa đẩy đang lao nhanh từ trên trời xuống, đồng thời phát ra làn khói màu cam sẫm. Người dân địa phương hoảng sợ chạy tìm chỗ ẩn nấp khi các mảnh vỡ rơi xuống đất phía sau một số ngôi nhà và cây cối.
Theo một bài viết khác trên weibo, các bộ phận của tàu vũ trụ được cho là đã rơi xuống tỉnh Quý Châu, miền Trung Nam. Tỉnh Tứ Xuyên giáp Quý Châu về phía đông nam. Trang web SpaceNews đưa tin rằng đã có thông báo đóng cửa không phận đối với vụ phóng.
Hiện chưa có báo cáo chính thức về thương vong cũng như thiệt hại tài sản sau vụ việc.
Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cùng ngày công bố rằng tên lửa Trường Chinh 2C của họ đã “phóng thành công” một vệ tinh thiên văn Trung-Pháp vào quỹ đạo cách Trái đất 600 km.
Vệ tinh này có tên là Máy giám sát vật thể biến thiên đa băng tần (SVOM) trên không gian, được CNSA và Trung tâm nghiên cứu không gian quốc gia (CNES) của Pháp cùng phát triển trong hai thập kỷ qua.
SVOM nhằm nghiên cứu các vụ nổ tia Gamma (Gbps), là hiện tượng nổ dữ dội nhất trong không gian, có khả năng giải phóng nhiều năng lượng trong vài giây bằng năng lượng mà Mặt trời sẽ phát ra trong suốt vòng đời 10 tỷ năm của nó.
“Chúng tôi đang mong chờ một số khám phá quan trọng, chẳng hạn như những vụ nổ tia gamma sớm nhất xảy ra khi vũ trụ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, điều này sẽ giúp chúng tôi nghiên cứu quá trình tiến hóa của vũ trụ… những vụ nổ tia gamma đặc biệt và hiếm gặp, và có lẽ thậm chí các vụ nổ mới”, theo Wei Jianyan, nhà nghiên cứu chính người Trung Quốc của SVOM.
Phương Anh (Nguồn: RT )