Suy sụp, lo nợ ngân hàng

Ngồi bệt trên lồng nuôi, chị Vũ Thị Nguyệt vẫn chưa hết bàng hoàng khi 4 lồng cá với khoảng 15 nghìn con đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình bị chết bất thường.

Chị Nguyệt ngồi thẫn thờ, bàng hoàng trước sự việc

Theo chị Nguyệt, khoảng 12 giờ ngày 19/6, chị phát hiện đàn cá có hiện tượng đưa râu lên, vài chục phút sau có dấu hiệu chết, nổi lên hàng loạt. Lập tức, chị lấy máy sục oxy để bơm vào các lồng cá, tuy nhiên mấy tiếng sau, cá có dấu hiệu chết và nổi lên trên bề mặt. Đến 21 giờ, cá chết hoàn toàn, ước tính khoảng 15 nghìn con.

“Nhà tôi thiệt hại khoảng 12 tấn cá lăng. Đến mùa thu hoạch tôi bán khoảng 150 nghìn đồng/kg, ước tính kiếm được 1,8 tỉ. Cuối cùng, bán tháo chỉ được hơn 100 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp cá chết hàng loạt. Giờ đây không biết gia đình sẽ xoay sở món nợ ngân hàng đã vay trước đó để đầu tư vào đàn cá thế nào”, chị Nguyệt ngậm ngùi.

Hơn 25 tấn cá lăng chết chỉ trong 1 ngày

Tương tự, gia đình ông Bình có 10 lồng khoảng 30 nghìn con, dự tính đến tháng 10 thu hoạch khoảng 20 tấn với mức bán 15 nghìn đồng/kg, thu khoảng 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, cá chết hơn một nửa, vị trí lồng lại xa nhất nên chỉ có thể vớt xác cá lên bán ủ phân. Gia đình ông bán khoảng 7 nghìn đồng/kg, thu được khoảng 70 triệu đồng.

“Gia đình mới chuyển đổi qua nuôi 100% cá lăng đen vào năm ngoái. Chỉ còn vài tháng nữa đến mùa thu hoạch, thế mà xảy ra sự việc trên khiến tất cả các hộ tại khu vực không trở kịp tay. Chỉ trong vòng 1 ngày, các hộ gần như mất trắng. Chúng tôi mong muốn chính quyền quan tâm, hỗ trợ kinh tế để gia đình vực dậy trong thời gian khó khăn này,” ông Bình bộc bạch.

Do bùn đất, phù sa

Sau khi xảy ra vụ việc, đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã đến kiểm tra, lấy mẫu nước trên lòng hồ thủy điện Ya Ly để làm rõ nguyên nhân.

Đoàn cán bộ lấy mẫu nước kiểm tra

Ông Ưng Văn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Thú y (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum) cho hay, vào ngày 18-19/6, lượng nước đổ về lòng hồ Ya Ly khá lớn; hồ cũng đã tích nước lâu khiến lượng bùn lắng dưới mặt nước. Qua kiểm tra, cán bộ Chi cục Thú y cũng phát hiện một lượng bùn bám vào mang cá.

“Bên cạnh đó, người dân cũng chủ quan khi nuôi cá trong khu vực nước thấp, không có phương án xử lý kịp thời. Trước tình hình đó, đoàn công tác đã cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân kỹ thuật sục khí ôxy, đẩy lồng bè đến khu vực nước sâu để bảo vệ số cá còn lại”, ông Thanh cho hay.

Liên quan đến sự việc, Cty thủy điện Ya Ly đã có báo cáo gửi các cơ quan chuyên môn tại Kon Tum. Theo báo cáo, khu vực cá chết thuộc vùng lòng hồ thủy điện Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum). Nguyên nhân ban đầu dẫn tới cá chết có thể do mưa lớn làm rửa trôi lượng bùn đất và phù sa vùng bán ngập đổ xuống lòng hồ dẫn đến tình trạng nguồn nước thiếu ô xy cục bộ, khiến cá chết ngạt.

Tuy nhiên theo dõi cơ sở dữ liệu về thông số thủy văn, lưu lượng đổ về của nhánh sông Đăk Bla tăng nhanh. Cụ thể, vào 1 giờ ngày 19/6 khoảng 40m3/s. Đến 7 giờ cùng ngày tăng lên khoảng 100m3/s và tới lúc 9 giờ cùng ngày tăng lên khoảng 200m3/s.

Cá chết được chính quyền hỗ trợ bán tháo

“Việc vận hành các hồ chứa những ngày qua đều tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Tại hồ Ya Ly hiện nay, mực nước xấp xỉ mực nước chết. Vào đầu mùa mưa nên nước đục, ô xy trong nước có thể thấp hơn bình thường. Quan sát trực quan, chất lượng nguồn nước trước và sau cầu đập dâng trên nhánh sông Đăk Bla tương đối đục, có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước hồ Ya Ly”, Cty thủy điện Ya Ly nhận định.

Ông Đinh Trọng Lịch - Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết, trên địa bàn xã có 16 hộ nuôi với 40 lồng bè. Sự cố lần này thiệt hại 20 lồng bè của 4 hộ dân. Theo thống kê ban đầu, lượng cá chết của 4 hộ này ước tính trên 25 tấn, thiệt hại khoảng 3,8 tỉ đồng.

Thái Lâm