Hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa, còn lại phải nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp còn rất nhiều dư địa để cung ứng cho thị trường.
Tiềm năng lớn của ngành nhựa
Trong những năm gần đây, nhựa được xem là một trong những ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng cao nhất, chỉ sau viễn thông và dệt may, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm.
Hiện sản phẩm nhựa Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 160 quốc và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt rất được ưa chuộng ở các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản,… Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm nhựa trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Không thể phủ nhận tiềm năng và triển vọng sáng sủa của ngành nhựa, nhưng theo các chuyên gia, ngành này cũng đang gặp phải không ít khó khăn, trong đó lớn nhất là về nguồn nguyên liệu. Thống kê cho thấy, năm 2023, ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu hơn 6 triệu tấn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa, 70% còn lại nhập khẩu từ các nước như: Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Việc phụ thuộc này sẽ đẩy cao chi phí đầu vào, tăng rủi ro tỷ giá, giảm sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Triển vọng sáng của ngành nhựa Việt Nam
Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là nước có lợi thế số 1 trong việc sản xuất hạt nhựa phụ gia do sở hữu nguồn tài nguyên đá vôi lớn ở miền Bắc và miền Trung. Thậm chí so với hai thị trường sản xuất lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam có thế mạnh từ vùng nguyên liệu đá chất lượng tốt hơn và ổn định hơn; chi phí nhân công rẻ hơn.
Song song với việc sản xuất các hạt phụ gia thông thường, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tận dụng nguồn bột đá để sản xuất các phụ gia cao cấp hơn, phù hợp với nhu cầu về nguyên liệu xanh đang ngày càng gia tăng trên thế giới.
Do đó, giới phân tích cho rằng, nếu biết nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp sản xuất nhựa phụ gia tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước.
Nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường
Nhận thấy tiềm năng và dư địa phát triển lớn, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhựa đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ để gia tăng sản lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
“5 năm trở lại đây, chứng kiến nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu ở cả thị trường nội địa và nước ngoài, chúng tôi đã chủ động tái cơ cấu đầu tư, trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, chúng tôi vừa đầu tư thêm hệ thống máy nghiền mới, nhằm tối ưu hóa sản xuất và tăng sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dòng sản phẩm cao cấp”, ông Ngô Văn Thụ - Tổng giám đốc CTCP An Tiến Industries (HII) cho biết.
An Tiến Industries là doanh nghiệp có tiếng trong thị trường sản xuất nhựa phụ gia tại Việt Nam và khu vực. Công ty này hiện sở hữu 2 nhà máy với năng lực sản xuất 96.000 tấn sản phẩm phụ gia nhựa và 150.000 tấn bột đá mỗi năm. Nguồn nguyên liệu của HII được cung cấp từ 2 mỏ đá chính là Mông Sơn, Lục Yên (Yên Bái) có trữ lượng lớn và chất lượng được đánh giá thuộc nhóm tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á với hàm lượng CaCo3 trên 98%, độ trắng, sáng cao và đồng nhất.
An Tiến Industries sở hữu năng lực sản xuất 96.000 tấn phụ gia nhựa và 150.000 tấn bột đá mỗi năm
Ngoài lợi thế về nguồn nguyên liệu chất lượng cao, HII còn sở hữu chuỗi sản xuất, cung ứng gần như khép kín, giúp rút ngắn thời gian giao dịch, vận chuyển, tối ưu hoạt động, tăng hiệu quả quản lý và cắt giảm tối đa các chi phí.
“Chúng tôi có 2 công ty con là CTCP Liên Vận An Tín hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hỗ trợ vận tải và CTCP An Thành Bicsol chuyên phân phối các sản phẩm hạt nhựa. Thông qua 2 công ty này, chúng tôi có thể dễ dàng vận chuyển và phân phối sản phẩm tới khách hàng trong thời gian nhanh nhất với mức giá cạnh tranh nhất”, đại diện HII cho biết thêm.
Không chỉ kịp thời nắm bắt nhu cầu lớn từ thị trường, HII hiện đang tích cực chuyển đổi sản xuất để bắt nhịp xu hướng tăng trưởng xanh đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Theo ông Thụ, trong năm 2024 và những năm tới, HII sẽ đẩy mạnh phát triển các loại compound nhựa kỹ thuật chất lượng cao và compound tự hủy cho sản xuất các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm hạt phụ gia tự hủy (AnCal Bio). Đây là sản phẩm cao cấp sử dụng cho bao bì tự hủy có biên lợi nhuận cao. Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu phát triển thêm các dòng sản phẩm ‘xanh’ vừa có giá trị gia tăng cao vừa thân thiện với môi trường”, ông Thụ chia sẻ.
Với chiến lược kinh doanh bài bản, hiện HII đang nắm giữ khoảng 12% thị phần hạt nhựa phụ gia và nằm trong top 5 nhà sản xuất và xuất khẩu hạt nhựa phụ gia lớn nhất tại Việt Nam. Hiện công ty đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất phụ gia nhựa hàng đầu khu vực Đông Nam Á.