Tại tọa đàm “Sởi: Mũi tiêm nhỏ - Bảo vệ lớn”, theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến ngày 18.6, TP.HCM đã ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi, với phần lớn số ca mắc là những trường hợp trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Hầu hết trẻ mắc bệnh sởi đều chưa tiêm đủ mũi vắc xin
Tại tọa đàm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết nếu bệnh sởi bùng phát thành dịch sẽ bùng phát mạnh nhất ở nhóm trẻ nguy cơ (nhóm trẻ chưa đủ tuổi tiêm vắc xin và nhóm trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin). Theo bác sĩ Khanh, nếu bùng lên thành dịch thì ngành y tế sẽ khó có thể chống nổi vì ngoài bệnh sởi thì thời gian bây giờ cũng là mùa của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Trẻ mắc bệnh sởi
ThS.BS Lê Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho hay để ngăn được dịch bệnh thì yếu tố quan trọng nhất là trẻ phải được tiêm vắc xin. Khả năng lây lan của bệnh sởi rất cao, nếu trong một nhà trẻ có một trẻ mắc bệnh thì những trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi sẽ nhiễm bệnh. Đối với 25 trường hợp mắc bệnh sởi đến hiện nay thì có 8 trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng và có đến 14 trẻ chưa được tiêm mũi nào.
Về tỷ lệ tiêm vắc xin tại TP.HCM chưa đạt đến 95%, theo ThS.BS Lê Thị Hồng Nga, vấn đề ở đây là cha mẹ, người thân quên không đưa trẻ đi tiêm ngừa, dẫn đến thiệt thòi cho trẻ.
"Chúng ta nên dành chút thời gian để đưa trẻ đi chích ngừa. Không chỉ mũi sởi mà khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ tiêm chủng của các bé còn thiếu rất nhiều mũi vắc xin khác như: ho gà, bạch hầu, uốn ván. Đều là những bệnh rất nguy hiểm. Hầu hết trẻ chưa đi tiêm chủng là do cha mẹ quên, lấy lý do này kia hoặc là di chuyển chỗ ở nhưng không khai báo với chính quyền, y tế địa phương nên không được mời đi tiêm”, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM nói.
Tương tự, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, một số phụ huynh khi quên không đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi là đã đánh mất quyền lợi của đứa trẻ. Đứa trẻ sinh ra quyền lợi của nó là được phòng ngừa bệnh bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin.
“Những đứa trẻ đâu thể nói được, đâu thể giơ tay xin đi chích ngừa được đâu, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh. Mà phụ huynh vì lý do gì đó mà quên đi thì đó là không có trách nhiệm với đứa trẻ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Phối hợp ngành giáo dục để kiểm soát dịch bệnhThS.BS Lê Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng ở quy mô phường xã, vẫn còn một vài địa phương có đến 1/3 số trẻ chưa được tiêm vắc xin. Khi tìm hiểu lý do thì các nhân viên y tế nói rằng nhiều gia đình mời ra để tiêm nhưng viện lý do bận hoặc lấy lý do khác để thoái thác.
Bên cạnh đó, qua khảo sát nguy cơ bùng phát dịch ở một số địa phương thì có tới 10 - 40% trẻ không có trong danh sách quản lý của trạm y tế. Do ba mẹ dọn đến không khai báo cho địa phương nên trạm y tế không biết nên không mời dẫn đến rất nhiều trẻ không được tiêm vắc xin.
Hiện vắc xin có đầy đủ, nếu gia đình không muốn sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì có thể chọn vắc xin dịch vụ. Theo bà Nga, yếu tố quan trọng là sự quan tâm của phụ huynh, đưa con đi tiêm ngừa.
Hiện Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo tiến hành tiêm bổ sung, tiêm bù vắc xin cho trẻ. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đang lên kế hoạch tiếp cận các nhà trẻ, yêu cầu phụ huynh nộp cho cô giáo sổ tiêm chủng để biết được rằng trẻ đã được tiêm chưa.
Thông qua các nhà trẻ, nhóm trẻ để phối hợp với ngành giáo dục địa phương điều tra tiền sử tiêm chủng của trẻ trong trường học, những trẻ còn thiếu mũi vắc xin sẽ được vận động tiêm bù, tiêm vét.
Còn đối với những trẻ ở các khu nhập cư, nhà trọ thì Sở Y tế TP.HCM sẽ huy động các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng tiếp cận các gia đình.
“Các ông bà, cha mẹ nếu gặp cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở các khu dân cư của mình thì đừng ngần ngại. Hãy chia sẻ với những cộng tác viên lịch tiêm chủng của con em mình thì sẽ được tư vấn, hướng dẫn ra trạm y tế để tiêm”, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM nói.
Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng tuyên truyền qua mạng lưới truyền thông của trạm y tế để cung cấp đầy đủ thông tin tiêm chủng đến từng khu dân cư. Để người dân được biết và đưa con em đến trạm để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.