Trong khi đó, giới đầu tư chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát quan trọng và bình luận của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này để đoán định về thời điểm cơ quan này cắt giảm lãi suất.
Trong chiều 24/6, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.325,79 USD/ounce, sau khi giảm hơn 1% vào thứ Sáu (21/6). Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên 2.338,00 USD/ounce.
Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khiến vàng không sinh lãi trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Chuyên gia tài chính Kyle Rodda tại chuyên trang về thị trường tài chính Capital.com cho biết, tối thứ Sáu tuần trước (21/6) đã diễn ra một đợt bán tháo vàng khá mạnh do đồng USD mạnh lên.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng vào tháng 6/2024 trong bối cảnh việc làm phục hồi, đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong gần 8 tuần. Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - sẽ được công bố vào thứ Sáu (28/6) để có thêm tín hiệu về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất.
Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lãi.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 phút 35 phút chiều 24/6, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
*Giá dầu giảm do đồng USD mạnh
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều 24/6 do lo ngại về Mỹ tăng lãi suất trong thời gian dài và đồng USD tăng, bù đắp sự hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ từ những căng thẳng địa chính trị và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC +) cắt giảm nguồn cung.
Trong phiên chiều 24/6, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn có lúc giảm 3 xu Mỹ xuống 85,21 USD/thùng, sau khi giảm 0,6% vào thứ Sáu (21/6). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 2 xu Mỹ xuống 80,71 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường Tony Sycamore tại ngân hàng IG có trụ sở tại Sydney cho biết, đồng USD dường như đã tăng sau khi Mỹ công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tốt hơn vào tối thứ Sáu (21/6). Đồng bạc xanh mạnh khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chỉ số đồng USD, thước đo của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt, tăng vào thứ Sáu (21/6) và tăng nhẹ vào thứ Hai (24/6) sau khi dữ liệu chỉ số quản lý sức mua của Mỹ cho thấy hoạt động kinh doanh của nước này đạt mức cao nhất trong 26 tháng vào tháng 6/2024.
Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm 3 giàn xuống còn 485 giàn trong tuần trước, và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết trong báo cáo hôm thứ Sáu (21/6).
*Thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 24/6 sau chuỗi hoạt động yếu kém của tuần trước khi các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát quan trọng và đồng yen Nhật ở mức thấp khoảng gần 3 thập kỷ.
Chốt phiên 24/6, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,5% lên 38.804,65 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) ổn định ở mức 18.027,71 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,2% xuống 2.963,10 điểm.
Thị trường Sydney, Seoul và Wellington đều sụt giảm, trong khi Bangkok, Mumbai, Singapore, Manila và Jakarta tăng điểm.
Số liệu dự báo về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn trong tình trạng tăng trưởng vừa phải và làm thị trường bớt hy vọng về khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất.
Thị trường cũng quan tâm đến chỉ số PCE có thể đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch chính sách tiền tệ của cơ quan này sẽ được công bố vào cuối tuần.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 24/6, VN-Index giảm 27,90 điểm (tương đương 2,18%) xuống còn 1.254,12 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 4,63 điểm (1,89%) xuống còn 239,74 điểm.