Đây là lần bán ra thứ 9 và nhiều nhất trong tháng 6 của ông Dũng. Nếu tính từ đầu năm, số lần thực hiện được ghi nhận là 11. Tỷ lệ nắm giữ giảm từ 24.13% còn 5.45%.
Diễn biến loạt giao dịch bán của ông Lại Trung Dũng trong tháng 6 (Đvt: cổ phiếu)
Nguồn: Người viết tổng hợpTrên thị trường giai đoạn này không ghi nhận bất kỳ giao dịch thỏa thuận nào, đồng thời một số phiên có lượng khớp lệnh bằng với lượng bán của cổ đông lớn này. Ông Dũng nhiều khả năng thu về khoảng 10.7 tỷ đồng, giá bán bình quân đâu đó 13,000 đồng/cp.
Ông Dũng là chồng của bà Ngô Thị Bích Vân, Thành viên HĐQT TEL từ năm 2021. Tới tháng 6/2023, Công ty miễn nhiệm bà Vân khỏi vai trò. Trước đó 3 tháng, ông Dũng bắt đầu giảm tỷ lệ, xuống còn 25%, tiền đề cho các đợt bán ra ồ ạt trong năm 2024.
Đóng phiên 24/06, giá cổ phiếu TEL đột ngột “nằm sàn” gần 15%, còn 13,900 đồng/cp, trong khi 2 phiên liền trước tăng kịch trần.
Cổ phiếu TEL gần như không thanh khoản nếu không tính lượng giao dịch của ông Dũng. Giao dịch sôi động hẳn từ đầu tháng 6 đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 84 ngàn cp/phiên, còn 5 tháng đầu năm chỉ hơn 1.4 ngàn đơn vị mỗi ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu TEL từ đầu năm 2024
TEL trước đây là Công ty Công trình Bưu Điện trực thuộc Tổng cục Bưu Điện và được thành lập từ năm 1954. Đến năm 2006 thì chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa và đổi thành CTCP Phát triển Công trình Viễn thông như hiện tại. Vốn điều lệ khi đó 50 tỷ đồng và giữ nguyên từ đó đến nay. TEL chủ yếu thi công xây lắp các công trình viễn thông, tư vấn thiết kế và cho thuê văn phòng.
Năm 2016, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) nắm 49% vốn cổ phần TEL. Một cổ đông lớn khác là Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện sở hữu 7%.
"Ông trùm" viễn thông từng cố gắng bán đấu giá số cổ phần này nhiều lần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; khoảng 16,400 đồng/cp (năm 2015) và 16,700 đồng/cp (năm 2017), nhưng đều bất thành và mãi đến tháng 10/2020 mới thành công theo phương thức giao dịch ngoài hệ thống. Thị giá lúc này khoảng 12,000 đồng/cp, ước tính doanh nghiệp Nhà nước thu về gần 30 tỷ đồng sau khi rút chân khỏi danh sách cổ đông lớn của TEL. Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện cũng đã thoái sạch từ cuối năm 2019.
Thời điểm rút lui của VNPT cũng là lúc ông Lại Trung Dũng trở thành cổ đông lớn sau khi mua vào 1 triệu cp, nâng tỷ lệ lên 24.62%. Phần 1.45 triệu cp còn lại thuộc về ông Nguyễn Hòa Hiệp (tỷ lệ 29%). Ông Hiệp (sinh năm 1989) lúc này cũng được bầu làm Thành viên HĐQT TEL cho nhiệm kỳ 2016 – 2020; và hiện đang là Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Tháng 07/2021, ông Dũng tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 26.29% nhưng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 100 triệu đồng vì không thực hiện chào mua công khai.
Với vi phạm này ngoài bị phạt tiền, cổ đông lớn này đồng thời buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện ủy quyền trên số cổ phần vi phạm, và bị buộc phải bán cổ phiếu, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa là 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Cổ phiếu TEL được đăng ký và bắt đầu chính thức giao dịch trên UPCoM từ năm 2017 tại giá tham chiếu 10,800 đồng/cp. Khối lượng giao dịch những tháng đầu tiên khá sôi nổi nhưng cũng là lúc một loạt lãnh đạo lẫn người có liên quan liên tiếp bán ra.
Giai đoạn này, một cá nhận là ông Lê Hải Đoàn liên tục “gom” để đầu tư, đến tháng 7/2020 thì sở hữu 24.8%. Ông hiện đang làm Thành viên HĐQT TEL và mới nhận vị trí Giám đốc vận hành hồi tháng 04/2024. Trước đây, ông Đoàn từng bị UBCKNN xử phạt 5 triệu đồng vì báo cáo giao dịch không chính xác.
Diễn biến giá cổ phiếu TEL từ khi được giao dịch trên UPCoM
Tử Kính
FILI