Chiều 24.6, Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bình Thuận tổ chức hội nghị "Nhận diện phương thức, thủ đoạn và giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng".
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cho rằng, loại tội phạm này đang rất phổ biến, nhiều người bị lừa đảo. "Đây không phải là loại tội phạm mới nhưng phương thức hoạt động mới và tinh vi, gây nhức nhối xã hội", đại tá Liêm nhận định.
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết tội phạm thông qua hệ thống ngân hàng rất tinh vi, gây bức xúc xã hội
Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Thuận tiếp nhận hơn 100 đơn tố cáo bị lừa tiền qua hệ thống ngân hàng. Tội phạm giả danh các cơ quan công an, cơ quan chức năng để đe dọa, lừa đảo người dân cung cấp mật khẩu tài khoản để chiếm đoạt tiền. Tội phạm còn lợi dụng các hình thức mua bán online, tuyển nhân viên, chứng khoán… để lừa đảo.
Loại tội phạm này dùng số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan công an, kiểm sát. Nhiều vụ việc, công an phát hiện tội phạm ở nước ngoài nhưng lừa đảo tại Việt Nam. Đối tượng được nhắm tới là những người thiếu thông tin, thiếu cảnh giác và thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, phổ biến nhất là hiện tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo. Thứ hai là chiếm tài khoản Zalo, Facebook và tạo tài khoản ngân hàng bằng các thông tin không trung thực nhằm chiếm đoạt tiền.
Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Công an tỉnh Bình Thuận đã xác minh hơn 60 vụ việc, đưa vào tin báo, tố giác tội phạm 9 vụ, khởi tố vụ án hình sự 1 vụ liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Đã phát hiện, điều tra xử lý 47 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 4 vụ liên quan không gian mạng với các thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng, lừa bị hại nhận quà, quảng cáo hoặc kêu gọi từ thiện.
Theo phòng Cảnh sát Hình sự Công an Bình Thuận, những tháng đầu năm 2024, nhiều nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện và phối hợp với công an các địa phương ngăn chặn 4 vụ người dân chuyển tiền cho tội phạm với số tiền hàng tỉ đồng.
Nhân viên ngân hàng kể lại việc ngăn chặn thành công người dân chuyển tiền cho tội phạm
Cụ thể, nhân viên Agribank chi nhánh Hàm Mỹ phát hiện, ngăn chặn bà Lưu Thị H.Đ chuyển 1,8 tỉ đồng cho tội phạm ngày 9.4; nhân viên BIDV chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn bà Trần Thị H. chuyển 450 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo ngày 12.4; Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc phát hiện, ngăn chặn bà Lê Thị N. chuyển 3,2 tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo ngày 3.5; Vietcombank chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn trường hợp chuyển 2 tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 12.6.
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm cho rằng, cán bộ ngân hàng là những người trực tiếp và đầu tiên tiếp cận với bị hại khi họ chuyển tiền cho tội phạm. Do vậy, nhân viên ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng, giúp nhận diện sớm và ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo.