Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Thảo luận phiên toàn thể về dự thảo Luật phòng chống mua bán người sửa đổi sáng nay, các đại biểu cho rằng, cần làm rõ các hành vi mua bán người, nhất là thông qua các thủ đoạn nhằm đưa người ra nước ngoài.

Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các quy định nhằm hạn chế tối đa việc núp bóng những việc nhân văn, tốt đẹp để thực hiện các hành vi mua, bán người.

''Chẳng hạn như hình thức cho con nuôi nhưng thực chất là bán con, hình thức môi giới kết hôn có yếu tố người nước ngoài hoặc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng thực tế lại là hành vi mua bán người. Do đó, khái niệm về hành vi mua bán người cũng cần tiếp tục nghiên cứu thật kỹ lưỡng, quy định bao quát và tránh bỏ lọt hành vi mua bán người'', Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến.

Bà Trịnh Thị Tú Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị nghiên cứu quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra với các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đi học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch... và khoản 2 quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ'.

Một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ phương thức của tội phạm buôn người để xử lý triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm.

Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: ''Hiện nay các phương thức thường sử dụng công nghệ điện tử, thực hiện hành vi phạm tội qua môi trường mạng nên khi phát hiện có dấu hiệu để xử lý tội mua bán người nhưng không chứng minh được là có thủ đoạn. Do đó, hầu hết chỉ bị xử lý tội đã tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép, không đúng với bản chất tội phạm để trừng trị nghiêm minh''.