Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ từ ngày 22-26/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley.
Chuẩn bị hạ tầng sẵn sàng thu hút đầu tưLàm việc với đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Silicon Valley, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những nỗ lực phối hợp, kết nối của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Thung lũng Slicon.
Đặc biệt là sự tham gia của các thành viên trong các chương trình, đề án lớn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (như Đề án Phát triển Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 định hướng đến năm 2050; Đề án Trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng AI; Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam…).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Sự tham gia đóng góp của các thành viên Mạng lưới cùng sự triển khai mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra những kết quả cụ thể, đi vào thực tiễn và có ích cho Việt Nam trong dài hạn.”
Ông Dũng cũng đề nghị các thành viên Mạng lưới đẩy mạnh kết nối với các chuyên gia hàng đầu thế giới, các viện/trường có khả năng hợp tác, cung cấp, chuyển giao các chương trình đào tạo và các đơn vị, tổ chức có các nguồn lực phù hợp có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động về đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Mạng lưới tiếp tục kết nối để mở rộng sự tham gia của các thành viên mới và mở rộng các chuyên gia, trí thức người Việt và quốc tế. Những người quan tâm và muốn tìm hiểu về thị trường, các cơ hội đầu tư, hợp tác về đổi mới sáng tạo, công nghệ tại Việt Nam, trên cơ sở mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.
ARM được thành lập năm 1990 tại Anh, là liên doanh của 3 tập đoàn công nghệ lớn trong đó có Apple. Năm 2016, Softbank (Nhật Bản) đã mua ARM với giá 32 tỷ USD.
Về cơ hội hợp tác, ông Will Abby, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty ARM cho biết công nghệ của công ty hiện diện trong hơn 95% điện thoại thông minh và các hệ điều hành phần mềm trên toàn thế giới. Đến nay, 70% dân số thế giới sử dụng sản phẩm dựa trên chip của ARM đồng thời công ty có vị trí độc quyền về kiến trúc chip. Và, các doanh nghiệp về thiết kế chip tại Việt Nam đều là khách hàng của ARM. Song, ARM hiện chưa có đại diện, văn phòng tại Việt Nam và đang nghiên cứu phương án mở văn phòng.
Công nghệ của ARM hiện diện trong hơn 95% điện thoại thông minh và các hệ điều hành phần mềm trên toàn thế giới. (Ảnh: MPI/Vietnam+)Chia sẻ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam cần đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15 nghìn kỹ sư thiết kế. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế để thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có ARM.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị ARM nghiên cứu, sớm có kế hoạch hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể là hợp tác trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kết nối các đối tác của ARM tại châu Á và trên thế giới để đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, ARM sớm mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu và giới thiệu công nghệ mới.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra cơ hội hợp tác giữa ARM và NIC trong phát triển Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung phục vụ đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho các startup của Việt Nam phát triển thiết kế chip sử dụng công nghệ, sở hữu trí tuệ của ARM.
Phát triển nhân tài số
Marvell là công ty hàng đầu về thiết kế chip của Mỹ, được thành lập vào năm 1995, công ty có hơn 6.500 nhân viên tính đến năm 2024 với hơn 10.000 bằng sáng chế trên toàn thế giới và doanh thu hàng năm là 5,5 tỷ USD, được định giá khoảng 160 tỷ USD.
Hiện, Marvell đã hoạt động tại Việt Nam kể từ năm 2013. Công ty hiện có khoảng 400 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử. Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh
Tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch Cao cấp về mảng kết nối quang và đồng của Marvell cho biết công ty đang xây dựng Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với khoảng 400 kỹ sư và dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Qua đây, các kỹ sư của Marvell Việt Nam được tham gia vào hầu hết các dòng sản phẩm khác nhau và được làm với những công nghệ mới nhất, thậm chí là những dự án 3 và 2 nano.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Marvell có thể mở rộng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để trở thành cứ điểm quan trọng hàng đầu. Ông cũng gợi mở việc Marvell nghiên cứu mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, và giới thiệu công nghệ mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với ông Kareen Ghanem, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách khu vực công, Tập đoàn Google. (Ảnh: MPI/Vietnam+)Về đào tạo nhân tài số, ông Kareen Ghanem, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách khu vực công, Tập đoàn Google, cho hay đã đầu tư và hợp tác phát triển trong các lĩnh vực chuyển đổi số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hiện đang có kế hoạch sản xuất điện thoại di động. Thời gian qua, Google đã hợp tác chặt chẽ với NIC để triển khai các Chương trình đào tạo nhân tài số và Chương trình ươm tạo doanh nghiệp. Trên thực tế, các chương trình này hết sức có ý nghĩa và được cộng đồng các cơ sở đào tạo và sinh viên Việt Nam quan tâm và nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia.
Với vai trò là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ triển khai các hoạt động hợp tác với Google, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Google hoạt động đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Tư lệnh Ngành cũng đề nghị Google tiếp tục nâng tầm quan hệ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Google lên hợp tác chiến lược toàn diện, thông qua thúc đẩy các dự án đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam và hợp tác với NIC.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Google tục phối hợp với NIC triển khai các chương trình Phát triển nhân tài số (GCC) và Ươm tạo doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp (GFS) hiệu quả tại Việt Nam; Mở rộng các chương trình của Google nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế số và hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam./.