Giáo sư ngành kiến trúc Erno Rubik, cha đẻ của khối rubik, hiện sống tại thủ đô Budapest của Hungary. Ông đã tạo ra nguyên mẫu khối lập phương rubik vào mùa Xuân năm 1974 và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế 1 năm sau đó.
Nhiều người khi ấy đã không nghĩ rằng khối lập phương nhiều màu này sẽ tồn tại cho đến ngày nay. Thực tế đã chứng minh, thế hệ gen Y và thế hệ gen Z cũng say mê khối rubik giống như cha mẹ của họ.
Theo Giáo sư Erno Rubik, trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc chơi với khối lập phương chính là sự nhắc nhở con người về tầm quan trọng của đôi bàn tay, nó cũng chính là sự kết nối giữa trí óc và đôi tay của con người.
Giáo sư Erno Rubik, cha đẻ của khối rubik (Ảnh: Hubpages)
Giáo sư Erno Rubik cho rằng: "Đôi chân có thể đưa con người đi xa, còn đôi bàn tay có thể giúp chúng ta chạm đến nhiều ý tưởng mới. Tôi kỳ vọng khối rubik sẽ nhắc nhớ mọi người về tầm quan trọng của đôi bàn tay trong việc tạo ra những thay đổi lớn cho nhân loại".
Khối rubik vẫn là một trong những trò chơi giải đố bán chạy nhất thế giới, với hơn 500 triệu phiên bản, hơn 47 tỷ tỷ sản phẩm được bán ra.
Từ năm 2003, người chơi trên toàn thế giới đã bắt đầu tham gia các cuộc thi lập kỷ lục giải rubik trong thời gian ngắn nhất, do Hiệp hội Rubik Thế giới tổ chức.
Không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các cuộc thi giải đố, khối rubik giờ đây còn đi vào nhiều lĩnh vực như sáng tạo nghệ thuật, điện ảnh, truyền hình. Ngày nay, việc giải khối rubik cũng được ứng dụng trong ngành giáo dục, hỗ trợ điều trị hoặc nâng cao sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi và những người mắc chứng tự kỷ.
Giáo sư Erno Rubik cho biết: "Tôi đã nhận được rất nhiều lời cảm ơn của mọi người. Thật tuyệt vời khi có thể mang lại điều gì đó tốt đẹp cho mọi người".