Bức tranh quý có tên Lang tập quần phương từng treo trong điện Cần Chánh, hiện đang treo ở Trường đại học Khoa học Huế, sắp được quy về chốn cũ - Ảnh: NHẬT LINH
Ngày 24-6, ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hai bức tranh quý từng treo ở điện Cần Chánh (Đại nội Huế) hiện đang ở Trường đại học Khoa học Huế sắp được đưa về chốn cũ.
Hai bức tranh quý này là hai bức tranh gương có tên Trì lưu liên phảng và Lang tập quần phương.
Theo ông Trung, sau nhiều thương thảo với Trường đại học Khoa học Huế, hai bên thống nhất sẽ đưa hai bức tranh quý nói trên giao về lại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để cất giữ, bảo quản.
Trung tâm sẽ gửi lại nhà trường hai bức tranh gương được phục chế y hệt hai bức tranh quý nói trên để khoa lịch sử treo, phục vụ công tác giảng dạy.
"Đưa hai bức tranh quý về, chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày để mọi người thưởng lãm. Sau khi điện Cần Chánh được phục dựng, hai bức tranh gương này sẽ được treo trở lại trong ngôi điện", ông Trung nói.
Trì lưu liên phảng và Lang tập quần phương được xác định là vẽ cảnh trong vườn Cơ Hạ, một ngự uyển nổi tiếng nằm ở góc đông bắc bên trong Hoàng thành.
Ngự uyển này do vua Thiệu Trị nâng cấp tôn tạo và thường xuyên lui tới đề vịnh thơ.
Với 5 khu vườn ngự uyển bên trong Đại nội Huế (Ngự Viên, Thiệu Phương, Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh), Cơ Hạ là khu vườn rộng nhất (hơn 4,5 mẫu, tức khoảng 2,3ha) với một hệ thống công trình kiến trúc phong phú bao gồm điện, đình, lầu, tạ, các, hồi lang, sông đào, hồ, ao, non bộ…
Trong loạt thơ ngự chế đề vịnh về vườn Cơ Hạ của các hoàng đế triều Nguyễn, chùm thơ vịnh 14 cảnh vườn Cơ Hạ (Cơ Hạ viên thập tứ cảnh) là tiêu biểu và nổi bật hơn cả. Lang tập quần phương và Trì lưu liên phảng là 2 trong số 14 cảnh thuộc chùm thơ này.