Theo cô Mai Hương, trong khi làm bài thi thí sinh cần lưu ý những điều sau:

1. Thí sinh giữ vững tâm lý khi đi thi, làm tốt nhất những gì đã tích luỹ.

2. Các em cần mang theo đồng hồ đeo tay (đúng quy chế thi) và phân bổ thời gian hợp lý cho các dạng bài.

3. Dạng bài nào tự tin, các em làm trước để tối ưu hoá thời gian.

4. Suy nghĩ kỹ trước khi tô đáp án, nếu chưa chắc chắn, các em nên đánh dấu trên đề rồi quay lại cân nhắc đáp án sau.

5. Thí sinh không bỏ trống đáp án bất kỳ câu nào.

6. Các em cần dành ra tối thiểu 5 phút cuối giờ để kiểm tra đáp án (đã tô đủ số câu hỏi chưa, đã khớp câu trả lời ở từng câu chưa, có câu nào tô chưa tròn khung hay tô mờ hay không…).

7. Cần đọc kỹ đề bài (có nhiều em do vội nên đọc sai đề bài tìm từ trái nghĩa thành tìm từ đồng nghĩa, do vậy đánh mất điểm rất đáng tiếc).

8. Khi lựa chọn đáp án, các em cần tỉnh táo để phân biệt các đáp án nhiễu.

9. Áp dụng phương pháp loại trừ nếu có thể để giúp tìm đáp án nhanh.

10. Tự tin với bài làm của mình, các em không dao động vì những yếu tố xung quanh.

Ngoài ra, cô Mai Hương lưu ý thí sinh:

Cần phân tích đề ngay khi nhận bài thi, xác định đúng vùng kiến thức và có tư duy trình tự làm bài

Ví dụ, ở bài phát hiện lỗi, ba câu hỏi tập trung vào kiến thức về thì động từ, đại từ/tính từ sở hữu, hai từ cùng gốc dễ gây hiểu nhầm về nghĩa. Khi đã nắm được dạng bài nào, tập trung vào nội dung kiến thức gì, học sinh sẽ tìm được phương án đúng một cách dễ dàng. Từ đó, học sinh sẽ cần có tư duy bài nào làm trước, bài nào làm sau, để không lãng phí thời gian.

Nhận diện câu hỏi theo mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao)

Một lời khuyên nữa là học sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lí cho từng câu hỏi. Gợi ý như sau:

- Câu hỏi nhận biết: 30 giây

- Câu hỏi thông hiểu: 50 giây

- Câu hỏi vận dụng: 80 giây

- Câu hỏi vận dụng cao: 100 giây

- 10 đến 15 phút cho bài đọc tùy độ dài

Lưu ý, thông thường các câu hỏi phát âm và trọng âm ở mức độ nhận biết; Các câu hỏi về thì động từ, mạo từ ở mức độ thông hiểu; Các câu hỏi về cụm động từ, thành ngữ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa ở mức độ vận dụng…

Áp dụng chiến thuật cho từng dạng bài hoặc dạng câu hỏi để tối ưu hóa thời gian làm bài

Ví dụ, bài đọc hiểu 1 gồm 5 câu hỏi, bao gồm 1 câu hỏi tiêu đề (đọc lấy ý chính), 2 câu hỏi về thông tin chi tiết, 1 câu hỏi quy chiếu và 1 câu hỏi từ vựng. Để tìm được ý chính của bài đọc, học sinh cần kỹ thuật đọc lướt (skimming), tìm câu mở đầu hoặc kết của mỗi đoạn. Từ đó, các em tìm được ý chính của cả bài. Để tìm được thông tin chi tiết, học sinh cần kỹ thuật quét (scanning) để xác định vị trí thông tin cần tìm.

Đọc kĩ đề bài, câu hỏi tránh mắc phải những lỗi sai đáng tiếc:

Nhiều học sinh khi làm bài hay bỏ qua bước phân tích đề bài dẫn tới làm sai yêu cầu. Điển hình là ở bài tìm từ trái nghĩa, đã có rất nhiều em nhầm thành bài tìm từ đồng nghĩa và chọn sai đáp án.

Một lỗi học sinh cũng hay mắc phải là đã tô đáp án (đúng), sau đó, phân vân và chọn lại đáp án khác (sai). Lỗi này chủ yếu là do kiến thức chưa chắc và không nhận định được bẫy ở các phương án nhiễu.

"Hy vọng những gợi ý ở trên sẽ giúp thí sinh thêm tự tin khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT năm nay. Chúc các thí sinh một mùa thi hiệu quả và đạt nhiều điểm cao", cô Hương chia sẻ.