"KHÔNG NÊN THU CỦA NGƯỜI NGHÈO TRẢ CHO NGƯỜI GIÀU"

Đại biểu (ĐB) Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều nước ưu đãi chính sách hơn các mặt hàng thông thường. Mỹ, Thái Lan, Lào, Myanmar… không thu thuế thuế giá trị gia tăng (GTGT) với phân bón. "Báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá nếu tăng thuế GTGT thì riêng mặt hàng phân bón tăng thu 6.200 tỉ đồng, chưa nói tới các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp. Nguồn thu này phải chăng thu từ nông nghiệp và nông dân?", ĐB Hương nêu.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24.6

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận ngày 24.6

ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng nông nghiệp, nông dân và nông thôn là khu vực vô cùng quan trọng, là trụ đỡ khi nền kinh tế và đất nước khó khăn. Song đây cũng là đối tượng yếu thế trong kinh tế thị trường. Việc tăng thuế GTGT sẽ làm tăng giá vật tư đầu vào, tăng chi phí, giá thành, giảm tính cạnh tranh của nông sản; giảm thu nhập của nông dân, tác động xấu đến khu vực nông thôn.

Ông Lâm phân tích với ngân sách, nếu tăng thuế GTGT 5%, chỉ tính riêng với phân bón, tổng thu ngân sách sẽ tăng 6.200 tỉ đồng. Với doanh nghiệp (DN), tăng thuế GTGT 5% sẽ giúp DN được khấu trừ đầu vào, từ đó tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu trên sân nhà. Với nông dân, 5% thuế GTGT nêu trên sẽ thu từ việc sử dụng sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng nông nghiệp của VN chủ yếu là sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hạch toán để khấu trừ GTGT đầu vào, nên hầu như toàn bộ 5% GTGT này sẽ cấu phần vào và làm tăng giá thành nông sản; giảm cạnh tranh, giảm thu nhập.

"Như vậy, tăng thuế thì DN tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận và ngân sách tăng thu, nhưng nông dân thiệt", ông Lâm chỉ ra. VN hiện có 4 nhà sản xuất phân bón chính và đã hội nhập hoàn toàn với quốc tế. Vì thế, dù trong nước sản xuất với giá thành bao nhiêu, thì cũng phải bán sản phẩm theo giá thị trường thế giới. Nếu giá trong nước thấp, DN sẵn sàng xuất khẩu để thu lợi nhuận tối đa, chứ không thể đòi hỏi DN hy sinh lợi ích chính đáng của họ. Trong khi đó, người nông dân luôn phải mua vật tư theo giá thị trường thế giới, cộng thêm thuế nếu có. Việc tăng thuế làm tăng chi phí đầu vào của nông nghiệp là điều hiển nhiên.

Theo ông Lâm, có nhiều cách để hỗ trợ DN trong nước cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, "chứ không nhất thiết phải hy sinh lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân", không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân và "không nên thu của người nghèo trả cho người giàu". Để có phương án tốt nhất, ông Lâm gợi ý giải pháp đưa các mặt hàng trên vào nhóm đối tượng chịu thuế suất 0%. Khi ấy, DN sẽ được hoàn đầu vào mà không gây thiệt hại cho nông dân. Nhưng đổi lại, ngân sách hằng năm phải hoàn cho DN trên 1.500 tỉ đồng tiền thuế GTGT đã thu từ các khâu trước.

Đánh giá từ khía cạnh ngược lại, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nhìn nhận việc Chính phủ đề xuất mức thuế GTGT 5% đối với phân bón và các mặt hàng liên quan đến nông nghiệp là có cơ sở. Theo ông, giá phân bón tăng thời gian qua không phải do tăng thuế, mà do chi phí đầu vào, vật tư và một số yếu tố khác. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng trước nhận định "tăng thuế GTGT 5% sẽ khiến giá phân bón tăng, người dân không chịu nổi". Bởi lẽ, DN nếu được khấu trừ 5% thuế GTGT sẽ đầu tư mở rộng thêm, giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu, đồng nghĩa người dân được lợi chứ không phải bị thiệt.

Ông An cũng không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa phân bón và các mặt hàng liên quan đến nông nghiệp về mức thuế suất 0%. Mức 0% chỉ áp dụng với xuất khẩu, không thể phá vỡ nguyên tắc của thế giới và bỏ ngân sách ra để làm việc này. Ông đề nghị Chính phủ cần xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào thuộc diện không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 5%, 10%...

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện có nhiều quan điểm đề nghị phân bón không chịu thuế, hoặc chịu thuế GTGT 5%. Thực tế, luật Thuế GTGT từ năm 2008 - năm 2013 - 2014 từng đưa thuế GTGT với phân bón nhưng sau đó bỏ. Cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Theo ông, hiện sản lượng phân bón sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7%, tức khoảng 4 triệu tấn/năm. Việc áp thuế như thế này đối với DN không gây mất bình đẳng đối với các DN nhập khẩu. Nếu tính hoàn thuế cho DN khoảng 1.500 tỉ đồng, tương ứng mỗi hộ nông dân 1 năm trả thêm 461.000 đồng.

SẼ ÁP THUẾ GTGT VỚI HÀNG GIÁ TRỊ NHỎ

Lo ngại sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước với nước ngoài, nhất là trong môi trường thương mại điện tử, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nêu ví dụ hiện dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix chịu thuế GTGT 5%, nhưng cũng dịch vụ này FPT chịu thuế 10%. Điều này bất hợp lý và mất nguồn thu ngân sách, trong khi nhiều nước đang áp một mức thuế bình đẳng giữa các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài.

Nêu ý kiến về việc miễn áp thuế GTGT với hàng hóa giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, ĐB Thúy đề nghị bỏ quy định này. Lý do, việc bùng nổ thương mại điện tử hiện nay cho thấy hàng hóa giá trị nhỏ bùng nổ trong thời gian qua từ 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày vận chuyển từ nước láng giềng vào VN với giá trị đơn hàng chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng/đơn.

"Hằng ngày có khoảng 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ kiểu này và mỗi tháng có từ 1,4 - 1,9 tỉ USD hàng giá trị nhỏ qua các sàn giao dịch như Shopee, Lazada, Tiki… Nếu theo như dự thảo thì ngân sách thất thu rất lớn, bất bình đẳng vì hàng hóa trong nước sản xuất ra vẫn chịu thuế GTGT trong khi hàng nhập khẩu lại không phải chịu", ĐB Thúy phân tích và cho rằng nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng giá trị nhỏ nhập khẩu để bảo vệ nguồn thu ngân sách và sản xuất trong nước.

Chia sẻ thêm với các ĐB, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự thảo luật vẫn thu thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ. Lý do là hiện thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ được thực hiện miễn thu theo Hiệp định Kyoto. Nhưng hiện các nước trên thế giới, ví dụ như EU, đã bỏ việc miễn thuế GTGT với hàng hóa dưới 22 euro, ở Anh là 135 bảng Anh, còn Thái Lan hiện thu thuế suất GTGT là 7%.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh hết năm nay nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng để tập trung vào tài khóa thắt chặt. Xu thế của thế giới hiện nay là tập trung để nâng cao sức mạnh của tài chính công, đảm bảo trang trải cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề an sinh xã hội và các vấn đề khác. Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng lên.