Đi từ thành phố Cao Bằng theo quốc lộ 34 hay từ quốc lộ rẽ qua đèo Côlêa, du khách sẽ đến Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén. Vườn được thành lập ngày 11/1/2018 với tổng diện tích tự nhiên 10.593,3 ha, trong đó có trên 8.100 ha rừng thuộc địa bàn các xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình).
Đỉnh Phja Oắc có độ cao 1.931 m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh. Rừng ở đây thuộc kiểu “rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới” có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật tại vườn; trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam…
Hiện nay vườn có 496 loài động vật có xương sống, ngoài ra còn hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng… Trong số các loài động vật có tên trong danh mục đã xác định được 58 loài động vật quý hiếm, bao gồm 30 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; có 12 loài bò sát, trong đó 3 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp; có 3 loài ếch nhái, trong đó 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm, những nguồn gen động vật này có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao.
Về địa chất, Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén có khu vực núi đá vôi với các dòng sông ngầm; những thung lũng, lòng chảo và dốc tụ nằm xen giữa các dãy núi thấp và trung bình. Đây là môi trường thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, là nơi nghiên cứu lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về đa dạng sinh học.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phja Oắc – Phja Đén môi trường không khí trong lành, khí hậu mát mẻ. Đặc biệt, nơi đây còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, được tạo thành bởi các dãy núi cao trùng điệp và các dải rừng xanh, thảm thực vật rừng mang đậm nét hoang sơ của vùng rừng núi quanh năm mây phủ, tạo nên bức tranh phong cảnh hài hòa, thơ mộng và vô cùng hấp dẫn.
Đến Phja Oắc – Phja Đén mùa nào cũng đẹp, nhưng thú vị nhất là những ngày đông nắng nhẹ, khi tuyết rơi trên đỉnh núi. Không gian bạc đi, những vạt cây như thâm trầm thêm tạo nên bức tranh thơ mộng và hùng vĩ, ẩn chứa nhiều điều kì diệu của tự nhiên. Đồng thời, phân bố xung quanh khu vực vườn là làng bản, dọc theo các con suối có ruộng bậc thang, những triền đồi được đồng bào trồng lúa, sắn, ngô… và các loại cây chè, sở, trẩu… Đây là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng của tỉnh.