Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu tại hội trường.

Sáng 25/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi (Dự thảo) với quan điểm còn khác nhau về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ, một số ý kiến đề nghị ngoài loại hình công ty hợp danh thì nên cho phép Văn phòng công chứng (VPCC) được hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi cả nước. Trong khi đó một số ý kiến khác cho rằng chỉ nên cho phép VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Tại báo cáo giải trình gửi đến các vị đại biểu, Bộ Tư pháp - Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, quy định VPCC theo loại hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định; việc chọn loại hình tổ chức nào cho VPCC cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trước đây, Luật Công chứng năm 2006 đã quy định cả hai loại hình VPCC (gồm VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và VPCC theo loại hình công ty hợp danh).

Quá trình thực hiện Luật Công chứng năm 2006 cho thấy mô hình VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, bền vững; khi công chứng viên (CCV) ốm đau hoặc nghỉ việc riêng thì không có CCV để tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đầy đủ yêu cầu công chứng của người dân, doanh nghiệp. Trường hợp CCV chết hoặc bị miễn nhiệm thì VPCC phải chấm dứt hoạt động dẫn đến hàng loạt hệ lụy liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ công chứng, người yêu cầu công chứng gặp khó khăn khi phải tìm lại VPCC đã thực hiện công chứng trước đây để thực hiện tiếp các việc sửa đổi, bổ sung, cấp bản sao…

Vì vậy, khi ban hành Luật Công chứng năm 2014 Quốc hội đã quyết định chỉ quy định 1 loại hình VPCC theo mô hình công ty hợp danh. Quá trình thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cho thấy mô hình công ty hợp danh cơ bản phù hợp với tính chất công chứng là dịch vụ công cơ bản, bảo đảm cho các VPCC hoạt động ổn định, bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Nếu cho phép thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì những điểm bất cập của mô hình này sẽ lặp lại như giai đoạn thực hiện Luật Công chứng năm 2006. Mặt khác, hàng loạt VPCC hiện có sẽ chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp tư nhân dẫn đến số lượng VPCC có thể tăng lên gấp hai lần so với hiện nay.

Số lượng VPCC quá lớn đi đôi với nguy cơ gia tăng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các VPCC, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước. Bên cạnh đó, việc chuyển giao hồ sơ công chứng đang được lưu trữ, việc phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ của các VPCC hiện có với VPCC sau khi tách ra cũng là những vấn đề vô cùng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, bất ổn.

Do đó, việc tiếp tục quy định VPCC được thành lập theo mô hình công ty hợp danh là phù hợp. Một số vấn đề vướng mắc liên quan đến mô hình công ty hợp danh, như việc CCV hợp danh không góp vốn vào VPCC, thường xuyên chấm dứt tư cách hợp danh ở VPCC này để hợp danh vào VPCC khác... đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật về vấn đề góp vốn, trách nhiệm và nghĩa vụ của CCV khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh...

Đối với ý kiến đề nghị cho phép VPCC được lựa chọn tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Thảo luận tại hội trường, một số vị đại biểu tiếp tục nêu ý kiến cần cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một CCV làm chủ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nói, trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một CCV làm chủ là rất phù hợp.

Việc này, một mặt vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo sớm được tiếp cận dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện như hiện nay, mặt khác, đối với những nơi này, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực công chứng viên, và nguồn thu để đảm bảo duy trì hoạt động của Tổ chức hành nghề công chứng với 2 công chứng viên là rất khó.

Do đó, đại biểu Thông đề nghị cơ cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định về loại hình tổ chức hành nghề công chứng, bên cạnh loại hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, nên chăng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập thêm loại hình văn phòng công chứng chỉ một công chứng viên (Loại hình doanh nghiệp tư nhân.)

Quan điểm này được khá nhiều ý kiến khác đồng tình. Song, cũng có ý kiến cho rằng việc cho phép lập lại mô hình VPCC tư nhân do 1 CCV thành lập, cho dù là chỉ thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì cũng cần cân nhắc.