Trong nửa đầu năm 2024, du lịch quốc tế tại Việt Nam đã tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Dù lượng khách Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, chiếm khoảng một phần ba tổng số du khách quốc tế trước dịch, sự trở lại của họ cùng với sự gia tăng nhu cầu du lịch từ Mỹ đã tạo ra những tín hiệu tích cực. Theo dự báo của Vinacapital, tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 19 triệu khách và vượt mức trước COVID-19 hơn 5% trong năm nay.

Du lịch quốc tế, chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam trước dịch, đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024. Sự phục hồi này dự kiến sẽ đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, sau khi đã đóng góp 4 điểm phần trăm vào năm ngoái. Du lịch nội địa, chiếm thêm 4% GDP, đã hoàn toàn phục hồi vào năm ngoái, nhưng sự gia tăng chi tiêu từ du khách trong nước sẽ không có tác động đáng kể đến tăng trưởng GDP năm nay.

Sự hồi phục của du lịch quốc tế được thúc đẩy bởi lượng du khách từ Hàn Quốc và Mỹ, và gần đây là Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách "Zero COVID" vào năm 2023. Việt Nam cũng đã nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch vào năm ngoái, giúp tăng doanh thu của các công ty liên quan đến du lịch. Trong tháng 5 đầu năm 2024, doanh thu của các công ty dịch vụ lữ hành trong nước đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu của Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã tăng lần lượt gần 200% và hơn 100% so với đầu năm.

Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn ở Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức trước COVID-19, chủ yếu do lượng khách Trung Quốc chưa hồi phục về mức trước dịch.

Theo số liệu 5 tháng đầu năm, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng hơn 300% so với cùng kỳ, nhưng chỉ mới đạt mức 75% trước dịch COVID-19. Vì vậy VinaCapital kỳ vọng nguồn khách này đến hết năm sẽ phục hồi lên mức 85% so với trước COVID-19. Nếu đạt được, đây sẽ là mức phục hồi rất cao so với mức cải thiện 30% của năm 2023.

Theo VinaCapital, khách du lịch từ Trung Quốc và Nga chiếm tỷ lệ đáng kể trong nhóm khách du lịch phân khúc tầm trung, phân khúc chưa phục hồi hoàn toàn.

Một điểm cũng đáng kỳ vọng là lượng du khách Mỹ cũng đã cao hơn nhiều so với mức trước COVID-19 và chi tiêu của nhóm du khách này đã đóng góp vào tỷ lệ lấp đầy phòng tăng cao tại các khách sạn cao cấp. Đến nay, các tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như Metropole Hà Nội, Fusion Resorts và các tổ hợp cao cấp do Lodgis sở hữu và vận hành đều đạt tỷ lệ lấp đầy bằng hoặc cao hơn mức trước dịch.

Công ty kỳ vọng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm nay, sau khi tăng gần 250% vào năm ngoái, nhờ sự phục hồi liên tục của khách du lịch từ Trung Quốc. Sự phục hồi này sẽ đóng góp thêm hơn 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Doanh thu của các công ty liên quan đến du lịch, như công ty quản lý điều hành sân bay và các hãng hàng không, đã tăng vọt trong năm nay, cùng với tỷ lệ lấp đầy của các tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp.

VinaCapital ước tính tổng đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế Việt Nam, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, chiếm hơn 15% GDP.

Với dự báo tăng trưởng 40% số lượng khách quốc tế đến cuối năm nay, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Đây không chỉ là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch và dịch vụ.

Vũ Hạo

FILI