Quân đội Nga tham gia cuộc tập trận Ubreakable Brotherhood cùng các quốc gia thành viên CSTO khác, tại vùng Issyk-Kul, Kyrgyzstan, ngày 11/10/2023. Ảnh: Sputnik/RIA Novosti
“Căng thẳng gia tăng trong hệ thống an ninh quốc tế đang suy thoái nhanh chóng sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn đến các tổ chức như CSTO”, ông Tasmagambetov với hãng thông tấn TASS hôm 24/6. Ông lập luận rằng nhu cầu về an ninh xã hội và chính trị có thể dẫn đến việc mở rộng chức năng của tổ chức, cũng như kết nạp các thành viên mới.
Đồng thời, ông nhấn mạnh động lực chính cho sự phát triển của CSTO liên quan đến hoạt động truyền thống của tổ chức – chính trị và ngoại giao.
“Chúng tôi chắc chắn rằng bất kỳ vấn đề nào cũng có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao, miễn là có ý chí chính trị và mong muốn đàm phán”, ông cho hay.
Vị quan chức này nói thêm rằng các thành viên của CSTO có thể phát triển hơn nữa tiềm năng gìn giữ hòa bình. Theo ông, lịch sử 2 thế kỷ qua cho thấy công cụ được yêu cầu nhiều nhất chính là an ninh tập thể.
CSTO được thành lập năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã. Các thành viên hiện tại của tổ chức gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Armenia.
Tháng 1/2022, CSTO đã lần đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hỗ trợ dập tắt tình trạng bất ổn và bạo loạn ở Kazakhstan. Các thành viên đã từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga hoặc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine khi Moskva tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, liên minh Á – Âu cũng đã trải qua một số mâu thuẫn nội bộ. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đình chỉ sự tham gia của nước này vào CSTO hồi đầu năm nay, đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức hoàn toàn. Đồng thời, ông Pashinyan cũng cáo buộc các thành viên không hành động trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Về phần mình, Moskva đã bác bỏ cáo buộc không thực hiện cam kết với Yerevan.