Cuối những năm 40 của thế kỷ 20, giáo dân ở địa phương đã xây dựng trên núi 14 chặng đường thánh giá, chạy theo đường trôn ốc từ dưới lên. Cũng vào thời điểm này, đường lên núi với gần 171 bậc đá xanh, có lan can bảo vệ, đã được xây dựng. Những năm đầu thế kỷ 21, hệ thống đường bê tông trên núi tiếp tục được kéo dài thêm 137 bậc nối từ đỉnh núi xuống vườn Diệt.
Mỗi chặng đường thánh giá có một vẻ đẹp riêng, kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và nhân tạo. Trên sườn núi có một hang đá bán lộ thiên cao 6m, rộng 5.4m được người dân tôn tạo làm nơi thờ Đức Mẹ. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân địa phương đã không ngừng tôn tạo để cảnh quan lèn đá Bảo Nham ngày càng thêm đẹp. Đường l.ên đ.ỉnh lèn đi giữa những khối đá nhô ra với muôn hình kỳ thú.
Trên đỉnh lèn Bảo Nham có thể nhìn thấy nhà thờ đá Bảo Nham và phong cảnh làng quê trù phú với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những cánh đồng cò bay thẳng cánh.
Điểm dừng chân cuối cùng dưới chân lèn là vườn Diệt, nơi có những vườn cây râm mát, những hang đá kỳ thú, nước nhỏ róc rách suốt ngày đêm. Những hang nước ăn sâu vào núi này, trước đây từng bị bồi lấp, biến thành ruộng lầy.
Cách lèn Bảo Nham 200m là nhà thờ đá Bảo Nham – một công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng vào năm 1888, khánh thành năm 1904. Nhà thờ cao 37m, dài 33 m, rộng 14m.
Công trình được làm nên từ hàng nghìn viên đá lớn kết nối với nhau một cách khéo léo, vững chắc, có nhiều viên đá nguyên khối dài tới 6 – 7 m. Được biết nguồn đá để xây nhà thờ được lấy từ Thanh Hóa và lèn Gụ tại xã Bảo Thành.
Cùng với lèn đá Bảo Nham, quần thể di tích văn hóa tôn giáo lèn – nhà thờ đá Bảo Nham đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn ở Yên Thành