Các nhà bán lẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với tương lai ảm đạm trong thời gian tới sau một mùa lễ hội mua sắm trực tuyến giữa năm đáng thất vọng.
Sự kiện này cũng làm lu mờ triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm nay là lần đầu tiên doanh số thương mại điện tử dịp lễ hội "618," kết thúc vào tuần trước, giảm xuống, phản ánh những áp lực gia tăng đối với các nhà bán lẻ vốn đang bị kẹt trong cuộc chiến về giá khốc liệt.
Lễ hội này được đặt tên theo ngày thành lập của nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử JD.com (18/6), nhưng được tất cả các nền tảng khác hưởng ứng. Đây là sự kiện bán hàng lớn thứ hai hàng năm của Trung Quốc sau "Ngày độc thân" vào tháng 11 và được coi là một chỉ báo quan trọng về tiêu dùng của hộ gia đình.
Hai sự kiện này từng thể hiện sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa tiêu dùng Trung Quốc, mang lại cú hích đáng tin cậy về doanh số bán hàng cho cả các nền tảng và thương hiệu.
Trong lần gần nhất Alibaba báo cáo doanh thu Ngày độc thân, vào năm 2021, doanh số bán hàng đạt 84,54 tỷ USD trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Tuy nhiên, năm nay, lễ hội 618 lại cho thấy những khó khăn trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: "Chi tiêu của người Trung Quốc về cơ bản tập trung vào các cơ hội giảm giá và phiếu mua hàng. Nếu họ không chi tiêu trong đợt giảm giá 618 này, thì họ sẽ chi tiêu vào lúc nào?"
Công bằng mà nói, các chương trình giảm giá đã diễn ra quanh năm kể từ đại dịch. Trong đó, các nhà bán lẻ cạnh tranh nhau đưa ra các chính sách giảm giá để thu hút người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Điều này góp phần kiềm chế tăng trưởng doanh số bán hàng trong các dịp lễ hội mua sắm lớn. Doanh số bán hàng trong sự kiện mua sắm hoành tráng Ngày độc thân năm ngoái chỉ tăng 2%.
Ông Josh Gardner, Giám đốc Điều hành của Kung Fu Data, công ty quản lý các cửa hàng trực tuyến cho hơn mười thương hiệu toàn cầu, cho biết thay vì tập trung vào các dịp lễ họi mua sắm, ngườitiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang các chương trình giảm giá hàng ngày thông qua các hình thức như livestream trên các nền tảng như Douyin (ứng dụng TikTok tại Trung Quốc).
Mặc dù các chương trình giảm giá đã giúp giữ chân phần nào người tiêu dùng ở lại các nền tảng như JD.com, cũng như Tmall và Taobao của Alibaba, thay vì chuyển sang các nền tảng giá rẻ như Pinduoduo, nhưng chúng không thúc đẩy mạnh chi tiêu của người tiêu dùng.
Kết quả kinh doanh theo quý gần đây cho thấy doanh thu của mảng thương mại điện tử nội địa của Alibaba chỉ tăng 4%.
Các nhà đầu tư cũng chưa bị thuyết phục, khi giá cổ phiếu của Alibaba giảm khoảng 5% trong năm nay và JD.com giảm hơn 3%.
Nhưng mối lo ngại lớn hơn là niềm tin tiêu dùng yếu, vốn vẫn ở mức thấp kể từ năm 2022.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng Trung Quốc mới của Bank of America cho thấy niềm tin tiêu dùng tiếp tục suy yếu hơn nữa trong tháng Sáu.
Tỷ lệ người được hỏi có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn trong sáu tháng tới giảm xuống 45% vào tháng Sáu, so với mức 55% vào tháng Tư.
Và chỉ có 31% số người được hỏi dự kiến thu nhập sẽ tăng trong sáu tháng tới, giảm 10 điểm phần trăm so với tháng Tư.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang không muốn chi tiêu do lo ngại về tình hình tài chính cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường bất động sản, tăng trưởng tiền lương chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ cao.
Tình hình này khiến Trung Quốc có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5%" trong năm nay.
Tuy nhiên, thay vì kích thích tiêu dùng như trước đây, thì các lễ hội như 618 lại có thể cản trở sự phục hồi của tiêu dùng trong năm nay, khi mọi người đều tập trung vào mua những gì họ cần với giá thấp nhất có thể, từ đó có thể làm giảm doanh số bán lẻ của những tháng sau đó.
Ông Jason Yu, Giám đốc cấp cao tại Trung Quốc của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cảnh báo rằng những tháng sắp tới sẽ là thách thức đối với các nhà bán lẻ vì mọi người đã mua những gì họ cần trong đợt 618.
Tương tự, chuyên gia Garcia-Herrero của Natixis dự đoán doanh số bán lẻ sẽ chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, có nghĩa là tỷ trọng của tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm chứ không tăng nhưng dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế./.