Học sinh Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) trong một tiết học ứng dụng chuyển đổi số. Ảnh: THU TÂM

Tập huấn kỹ cho đội ngũ giáo viên

Tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), từ cuối tháng 4-2024, nhà trường đã phối hợp với một đơn vị viễn thông tổ chức tập huấn xây dựng học bạ số cho toàn bộ giáo viên. Thầy Trần Quốc Long Xuyên, giáo viên Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết, triển khai học bạ số không gây khó khăn cho giáo viên vì trước đây, dữ liệu về kết quả đánh giá học sinh đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành. Thời điểm hiện tại, 100% giáo viên trong trường đã cập nhật chữ ký số.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Từ Đức (TP Thủ Đức), việc cập nhật dữ liệu thông tin học bạ cho hơn 1.000 học sinh đã hoàn tất. Theo cô Đỗ Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Từ Đức, học bạ được số hóa giúp nhà trường tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý. “Trước đây, việc ký tên vào từng quyển học bạ giấy mất rất nhiều thời gian cho cán bộ quản lý. Khi thực hiện việc số hóa, chỉ cần một cú nhấp chuột, hiệu trưởng có thể ký đồng loạt toàn bộ học bạ của học sinh trong trường”, cô Đỗ Thị Tú nói.

Để triển khai học bạ số, theo cô Lê Thị Xinh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, trường học phải cập nhật chữ ký số cho toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý, đồng thời rà soát dữ liệu thông tin cá nhân và kết quả học tập của học sinh trên hệ thống. Trên cơ sở quy chế triển khai học bạ số do Sở GD-ĐT TPHCM ban hành, việc thực hiện được tiến hành đồng loạt ở tất cả đơn vị trường học.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục về kỹ thuật, giải đáp các băn khoăn trong quá trình triển khai học bạ số. Trước đó, ngành giáo dục và đào tạo đã có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc tổ chức tuyên truyền đến xây dựng hệ thống phần mềm, quy chế đảm bảo yêu cầu an toàn và bảo mật đối với dữ liệu thông tin của học sinh.

Theo lộ trình thực hiện, năm học 2023-2024, TPHCM thí điểm triển khai học bạ số đối với 132.000 học sinh khối lớp 1. Năm học 2024-2025, học bạ số tiếp tục được triển khai đối với khối lớp 6, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của học sinh tiểu học và THCS. Năm học 2025-2026, học bạ số được triển khai ở khối lớp 10 và số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của học sinh cấp THPT. Đây là một trong những nội dung thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, dữ liệu về người học, điểm số, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được cập nhật theo từng môn học, khối lớp để đảm bảo tính nhất quán, toàn vẹn thông tin. Sau khi hoàn tất cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của TPHCM được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của Bộ GD-ĐT cùng cơ sở dữ liệu chung toàn ngành giáo dục và đào tạo.

Trong đó, học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động học tập của học sinh. Trong trường hợp cần thiết, học bạ số có thể được in ra, có xác nhận của cơ sở giáo dục phát hành học bạ hoặc được sao y từ văn bản điện tử theo quy định, có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy.

Liên quan kinh phí thực hiện, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, cơ sở giáo dục căn cứ nhu cầu thực tế của đơn vị để lựa chọn giải pháp triển khai phù hợp, trên cơ sở kết hợp kinh phí từ ngân sách, huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, qua đánh giá tình hình biến động công tác của giáo viên, trường học xác định giải pháp cụ thể đối với từng khối lớp.

Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin, việc truy cập và xử lý dữ liệu được phân quyền cụ thể đối với từng cá nhân, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên học vụ, văn thư và quản trị viên trường học. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ xử lý nghiêm các hành vi làm giả, truy cập trái phép, sửa chữa hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của học sinh; có biểu hiện độc quyền, vận hành không lành mạnh trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu trên học bạ số.

“Học bạ số được định danh theo mã số định danh cá nhân của học sinh. Cơ sở giáo dục phát hành học bạ là đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về nội dung học bạ của học sinh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin với thời gian lưu trữ hồ sơ là vĩnh viễn”, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, thông tin.

MINH THƯ