Mô hình trồng dưa lưới tại Ninh Thuận cho hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho hay, qua hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã nâng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 32,31%/năm. Theo đó, toàn tỉnh có hơn 565 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị sản xuất 938 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu có khoảng 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả, trong đó mỗi huyện có từ 4-6 dự án, ưu tiên lựa chọn phát triển sản phẩm đặc thù có tiềm năng xuất khẩu…
Tăng giá trị sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp
Anh Đinh Công Vàng (thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đang có trang trại dưa lưới gồm 3 nhà lưới rộng hơn 7.000 m2. Vụ dưa lưới gần đây nhất, anh Vàng thu được khoảng hơn 600 triệu/3 nhà, sau khi trừ các chi phí, anh Vàng tính toán hưởng mức lãi tới 90 triệu đồng/nhà.
Mặc dù mức lợi nhuận khá khả quan nhưng theo anh Vàng, để đầu tư trồng dưa lưới thì không thể trồng theo phương pháp truyền thống như với dưa hấu hay các loại dưa khác, mà bắt buộc phải đầu tư công nghệ cao. Thế nhưng, vốn liếng đầu tư ban đầu để trồng dưa lưới công nghệ cao không hề nhỏ.
Anh Đinh Công Vàng đang chăm sóc vườn dưa lưới của gia đình. Ảnh: Quốc Hải
Tính toán của anh Vàng, chỉ riêng chi phí làm nhà màng đã mất tới khoảng 350 triệu đồng trên 1.000m2. Nếu đầu tư thêm hệ thống tưới nước, bón phân tự động… thì chi phí phải lên tới 450 triệu đồng/1.000m2.
“Làm nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trồng dưa lưới thì phải chấp nhận đầu tư. Ở trang trại của tôi, hệ thống tưới nước, bón phân tự động đều được đầu tư đầy đủ. Thế nên, dù không có mặt ở trang trại, tôi chỉ cần mở điện thoại, kết nối mạng 4G hay qua wifi, mở app lên là có thể giám sát được mọi hoạt động ở trang trại hay thực hiện các công việc tưới nước, bón phân…”, anh Vàng nói.
Năm 2021, chị Diệp Hồng Trang (quê huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đến xã Lương Sơn (huyện Ninh Sơn) để mua đất, dựng nhà màng trồng lan hồ điệp áp dụng công nghệ cao như hệ thống tưới nhỏ giọt, điều khiển tưới qua app trên điện thoại...
Do vốn đầu tư nhà màng và thiết bị trồng lan hồ điệp công nghệ cao khá lớn, trung bình 3,5 tỷ đồng cho 1 nhà màng (1.300m2) nên chị Trang phải trông chờ vào nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ninh Sơn. Tuy nhiên, dù đầu tư lớn, nhưng sản xuất lan hồ điệp công nghệ cao ở trang trại của chị Trang mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường.
Kỹ sư nông nghiệp đang chăm sóc vườn lan hồ điệp của gia đình chị Diệp Hồng Trang. Ảnh: Quốc Hải
“Nhờ ứng dụng công nghệ cao nên trang trại giảm thiểu được nguy cơ rủi ro từ thời tiết, khí hậu, giúp năng suất cao hơn, chất lượng hoa cũng tốt hơn. Hai năm qua, tôi thu lợi nhuận khoảng 1,8 tỷ đồng từ lan hồ điệp”, chị Trang chia sẻ.
Nông nghiệp công nghệ cao dần trở thành mũi nhọn kinh tế Ninh Thuận
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, thời gian qua, để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường tuyên truyền về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật các vùng sản xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất.
Cùng với đó, Ninh Thuận cũng đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả công tác thu hút, sử dụng các nguồn lực và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, thời gian qua, Ninh Thuận đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo mô hình đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO, ISO/IEC 17025, HACCP, nông sản hữu cơ...
Điển hình như mô hình sản xuất măng tây xanh của Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, HTX Tuấn Tú (huyện Ninh Phước); mô hình sản xuất nho rượu của Công ty TNHH Ladora Farm (huyện Ninh Sơn); mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam miền Trung (huyện Bác Ái).
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Sơn chia sẻ, trên địa bàn huyện đã có hơn 102 ha sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, trong đó, sản phẩm chủ lực là dưa lưới, còn lại là hoa lan và một số cây trồng khác có thể sản xuất trong nhà màng.
“Nhìn chung, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Sơn cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường. Chẳng hạn, với 1ha sản xuất dưa lưới công nghệ cao, có thể đạt lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm, cao gấp 20 lần so với trồng lúa”, ông Hòa nói và nhấn mạnh, huyện Ninh Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.