Ê-kíp của nữ người mẫu đã trình báo sự việc lên công an phường gần nhất, đồng thời đưa ra cảnh báo cho người hoạt động trong giới nghệ thuật và các cô gái nói chung vì thiết bị quay lén ngày nay vô cùng tinh vi.

Đáng buồn, đây không phải sự hi hữu trong làng giải trí Việt. Năm 2019, mạng xã hội xôn xao thông tin ca sỹ Văn Mai Hương bị phát tán nhiều clip nhạy cảm, trong đó nữ ca sĩ lộ hình ảnh mặc nội y thay đồ, thử đồ.

Những hình ảnh nhạy cảm này đều được ghi lại từ camera an ninh gắn trong nhà riêng, bị kẻ xấu hack dữ liệu camera, phát tán lên mạng khiến khán giả vô cùng bức xúc.

Trước đó, ca sĩ Amee cũng từng là nạn nhân của tình trạng quay lén, phát tán clip riêng tư. Đoạn clip Amee mặc đồ ngủ, tập thể dục trong phòng riêng cùng bạn bè và vô tình lộ khoảnh khắc nhạy cảm khi bị phát tán tràn lan đã khiến giọng ca sinh năm 2000 suy sụp. Trước hành vi xâm phạm đời tư của Amee, phía công ty quản lý nữ ca sĩ cũng đã nhờ pháp luật vào cuộc xử lý.

Sự việc Fashionista Châu Bùi bị gắn camera quay lén khi thử đồ trong nhà vệ sinh khiến dư luận bức xúc

Phân tích các sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, theo Khoản 1 và 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Như vậy, bất kỳ người nào có hành vi quay lén người khác trong phòng vệ sinh, phòng thay đồ hay nhà nghỉ là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống riêng tư, cá nhân của họ.

Về mức xử phạt hành chính cho hành vi quay lén, theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào có hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng. Nếu hành vi này có mục đích để đưa lên không gian mạng thì theo Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 30 triệu đồng.

Trường hợp quay lén với mục đích tống tiền, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015 với mức phạt tù từ 1-20 năm.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu có đủ căn cứ cho rằng, việc đặt camera quay lén trong nhà nghỉ, nhà vệ sinh, phòng thay đồ…sau đó phát tán lên mạng, khiến nạn nhân bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người thực hiện có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015.

Ngoài ra, trường hợp đặt camera quay lén và phát tán hình ảnh có nội dung nhạy cảm, người thực hiện còn có thể bị xử lý về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

Như vậy, hành vi quay lén người khác trong phòng thay đồ, nhà vệ sinh hay nhà nghỉ… là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội. Với trường hợp của Châu Bùi, rất may các hình ảnh nhạy cảm không bị phát tán do nạn nhân đã phát hiện sớm. Tuy vậy, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ đối tượng đặt máy quay lén, mục đích sử dụng hình ảnh quay được của đối tượng này.

Đồng thời, với những người nổi tiếng khi bị xâm phạm đời tư cá nhân có thể bị thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, danh dự nhân phẩm, uy tín và sự nghiệp cá nhân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, đây cũng là một trong những yếu tố để cơ quan chức năng xem xét để có hình thức xử lý phù hợp với người có hành vi đặt máy quay lén - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.