Chiếc giếng cổ trong ngôi chùa hơn 1.500 tuổi

Ở phía nam của núi Kim Hoa thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, có một ngôi chùa cổ tên là chùa Trí Giả nằm nép mình giữa những ngọn núi. Theo ghi chép, ngôi chùa này được xây dựng từ cách đây 1.500 năm. Trải qua nhiều biến cố của thời đại, chùa Trí Giả bị hư hại khá nhiều và đã trải qua nhiều lần trùng tu quy mô lớn.

Vào sau những năm 2010, ngôi chùa nghìn năm tuổi này ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Để phát triển du lịch tại đây, chính phủ Trung Quốc đã quyết định sửa chữa và mở rộng ngôi chùa này. Trong quá trình xây dựng, vào năm 2016, những người công nhân đã vô tình phát hiện ra một chiếc giếng cổ bị vùi lấp trong khuôn viên của ngôi chùa.

Ảnh: 163.com

Ban đầu, mọi người chỉ coi giếng cổ của chùa Trí Giả là một cái giếng bình thường. Tuy nhiên sau đó, những tin đồn về việc có kho báu từng được chôn dưới giếng được lan truyền khắp nơi khiến chiếc giếng này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Không những thế, tin đồn này còn thu hút sự ghé thăm của những “vị khách không mời”. Họ thường lẻn vào chùa lúc nửa đêm để khám phá giếng cổ khiến sự tĩnh lặng và trang nghiêm của ngôi chùa bị ảnh hưởng.

Để ngăn chặn điều này, phía nhà chùa đã nhanh chóng báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương. Sau khi nhận được tin báo, cơ quan di tích văn hóa địa phương đã nhanh chóng cử đoàn khảo cổ đến tận nơi để tiến hành điều tra. Khu vực chiếc giếng cổ cũng bị phong tỏa để phục vụ cho việc nghiên cứu. Cũng từ đây, bí ẩn về chiếc giếng cổ trong chùa Trí Giả dần được hé lộ.

Phát hiện bất ngờ

Sau khi thăm dò, các chuyên gia phát hiện giếng cổ này có hình dáng rất đặc biệt. Theo đó, miệng giếng có hình lục giác với đường kính khoảng 2m. Thành giếng từ trên xuống dưới đều được làm bằng những phiến đá xanh có độ dày 20m, được xếp chồng lên nhau.

Ảnh: 163.com

Để khám phá chiếc giếng cổ này, đội khảo cổ bắt đầu từ việc làm sạch bùn đất trong giếng. Tuy nhiên, vì trời mưa liên tục trong quá trình nạo vét, các chuyên gia đã phải huy động cả máy bơm để thoát nước nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ.

Sau khi rút hết nước trong giếng, các chuyên gia cho biết giếng sâu 12m. Ở dưới đáy, họ tìm thấy một số thanh thép rỉ sét và những tàn tích sót lại của những cuộc trùng tu vào những năm 1960 và 1970. Càng đào sâu, nhóm khảo cổ càng phát hiện nhiều vật lạ vô cùng có giá trị.

Ảnh: 163.com

Cuối cùng, sau 12 ngày làm việc ngày đêm, công trình khảo cổ này đã kết thúc với việc khai quật được hơn 100 di vật văn hóa được chế tác tinh xảo bằng ngọc bích, đồ sứ và vàng. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là sau khi xác định niên đại của chúng, các chuyên gia vô cùng bất ngờ khi phát hiện lô di tích văn hóa này có nguồn gốc từ các triều đại nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh.

Trong đó, chiếc bình sứ men ngọc xanh từ thời nhà Tống được đánh giá là nổi bật nhất. Sau khi giám định, các chuyên gia cho biết nó được chế tác từ lò nung Long Tuyền. Đây là một trong sáu lò nung nổi tiếng được công nhận vào thời nhà Tống, có lịch sử hơn 1.600 năm. Phát hiện này khiến các chuyên gia vui mừng khôn xiết, bởi lò nung Long Tuyền đại diện cho trình độ sản xuất đồ sứ đỉnh cao thời nhà Tống. Chiếc bình ngọc này được xem là di tích văn hóa cấp bảo vật quốc gia có giá trị khảo cổ và lịch sử cực kỳ cao.

Ảnh: 163.com

Chia sẻ về lý do những bảo vật này được giấu trong giếng cổ, các chuyên gia chỉ ra giả thuyết xoay quanh những tin đồn lan truyền tại địa phương rằng: Có 1 toán quân phản loạn đã thu thập được lượng lớn vàng bạc, bảo vật nhưng nhanh chóng bị triều đình bấy giờ đàn áp nên chỉ còn cách chôn giấu kho báu.

Một giả thuyết khác được các chuyên gia đưa ra là số kho báu này cũng có thể là của một số quan lại thời đó. Họ đã giấu tài sản vào giếng cổ, đợi khi sự cố lắng xuống rồi mới đợi thời cơ thích hợp để lấy lại.

Dù chưa thể đưa ra một lời giải đáp rõ ràng, nhưng việc phát hiện ra số kho báu này được xem là dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cộng đồng khảo cổ Trung Quốc nói riêng và văn hóa - lịch sử Trung Quốc nói chung. Lần khai quật này đã góp phần lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa cổ xưa của một quốc gia với chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

(Theo 163.com)